Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc với trên 66% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Hà Nhì… Nhờ chú trọng xây dựng hệ thống y tế cơ sở, không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, ngành y tế tỉnh Lào Cai đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân…
* Bác sĩ "Dự án" sáng y đức trên non
Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (gọi tắt là Dự án 585) được Bộ Y tế triển khai ưu tiên tại 62 huyện nghèo trên cả nước, trong đó có tỉnh Lào Cai. Trong 8 năm (2013 - 2021) thực hiện Dự án 585, Lào Cai được hỗ trợ 06 bác sĩ tình nguyện, làm việc trên địa bàn các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa. Đặc biệt, thông qua Dự án 585, 20 bác sĩ chuyên khoa I của ngành Y tế tỉnh Lào Cai được đào tạo theo diện cử đi học từ các bệnh viện tuyến huyện. Các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu công việc, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, kỹ thuật cao hơn, tạo cơ hội cho người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương.
Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà nhiều năm qua chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân thuộc diện nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, bệnh viện chỉ xử lý được những ca bệnh đơn giản, ca bệnh nặng là phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Nhờ có Dự án 585, bệnh viện được cử 5 bác sĩ tại chỗ đi đào tạo chuyên khoa I. Đến nay, khi kết thúc khóa học, các bác sĩ trở về bệnh viện công tác đã triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao như phẫu thuật ổ bụng, phẫu thuật sản khoa, phẫu thuật nội soi và các kỹ thuật khó trong cấp cứu cũng như điều trị bệnh nhân.
Đặc biệt, bác sĩ chủ yếu là người tại địa phương nên tạo được niềm tin và tình thân đối với đồng bào. Bác sĩ ngoài việc thực hiện chuyên môn y khoa còn là người tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc.
Hành lang Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà tấp nập bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ra vào, ngồi đợi khám bệnh. Nhưng ai cũng toát lên một niềm tin về tay nghề của các y, bác sĩ nơi đây. Bác sĩ nhi Vàng Seo Sào, dân tộc Mông chạy đi chạy lại như “con thoi” giữa các phòng bệnh để thăm khám, chuẩn đoán và cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Không khí bệnh viện luôn ở trong tình trạng khẩn trương, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán bác sĩ Sào nhưng cả bác sĩ và bệnh nhân đều có sự phối hợp, tin tưởng lẫn nhau trong quá trình điều trị, tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc.
Chị Giàng Thị Xua, dân tộc Mông ở thôn Lèng Phàng, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà chia sẻ: “Trước đây, con ốm, gia đình tôi thường cứ để bệnh tự hết hoặc nhờ thầy cúng, nhiều lần các con bị bệnh nặng hơn. Gia đình rất ngại đưa con xuống bệnh viện vì không thông thạo tiếng Kinh, khó khăn trong quá trình giao tiếp. Lần này, tôi đưa con xuống bệnh viện, gặp được bác sĩ Sào, cũng là đồng bào điều trị nên tôi yên tâm lắm! bác sĩ hiểu được phong tục, tập quán và cách sinh hoạt của chúng tôi, đã bắt đúng bệnh cho con tôi. Từ hôm vào viện đến giờ, bệnh tình con tôi thuyên giảm nhiều. Từ giờ gia đình có người ốm là chúng tôi sẽ lại xuống bệnh viện để điều trị”.
Dự án 585 là dự án đào tạo bác sĩ phù hợp với tình hình chăm sóc sức khỏe tại các huyện vùng khó khăn. Các bác sĩ khi ra trường có thể đứng độc lập và làm việc ngay tại bệnh viện tuyến huyện, phần nào mở hướng giải bài toán khó về đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực y tế tuyến cơ sở và nguồn nhân lực bác sĩ chất lượng cao tại địa phương.
Sau 2 năm được cử đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa I theo Dự án 585, ngay sau khi tốt nghiệp, bác sĩ trẻ Sản khoa Sùng Seo Tỏa, dân tộc Mông đã trở về Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương làm việc. Bác sĩ Tỏa rất tự tin với tay nghề được đào tạo nâng cao của mình. Bác sĩ giờ đã có thể thực hiện được một số kỹ thuật y khoa mới giúp cho nhiều ca bệnh phức tạp được chữa trị kịp thời, giảm tối đa ca bệnh phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên gây tốn kém cho đồng bào dân tộc. Bác sĩ Tỏa cho biết: “Hiện tại, tôi có thể thực hiện được các ca phẫu thuật cắt tử cung dưới, mổ nội soi tử cung, buồng trứng và một số ca cấp cứu khó”.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà, Dự án 585 là dự án có tác động tích cực đến các bệnh viện ở vùng cao, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện. Các bác sĩ là người địa phương sau khi được đào tạo theo Dự án 585 trở về phục vụ quê hương, nơi các bác sĩ có những gắn bó lâu dài, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn của tuyến huyện, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được thụ hưởng những dịch vụ y tế tích cực. Đội ngũ cán bộ y tế địa phương mong muốn Dự án 585 tiếp tục được triển khai để hỗ trợ cho nguồn nhân lực chất lượng cao vốn đã mỏng ở tuyến huyện, góp phần tạo nguồn nhân lực mang tính bền vững cho địa phương.
* Điểm tựa y tế nơi non cao
Đối với tuyến y tế cơ sở ở Lào Cai, mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản được xem là cánh tay nối dài của ngành Y tế, là nhân tố quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù khá bận rộn với công việc gia đình nhưng nhận được thông tin của đồng bào cần kiểm tra sức khỏe, anh Thèn Văn Huy, nhân viên y tế thôn bản xã Na Hối, huyện Bắc Hà vội vàng bỏ dở công việc đang làm để đến luôn nhà đồng bào cần trợ giúp y tế. Sau khi thăm khám cơ bản, anh Huy đã tư vấn cho đồng bào cách tự chăm sóc bản thân để cải thiện sức khỏe trước mắt.
Bên cạnh đó, tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nhân viên y tế còn phải nói được tiếng địa phương cũng như hiểu được phong tục, tập quán của từng dân tộc để công tác tuyên truyền, vận động được hiệu quả. Anh Vàng Dỉ Dủ, dân tộc Bố Y, thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương đã làm y tế thôn, bản được hơn 10 năm nay cho biết: “Điều kiện sống của đồng bào còn nhiều khó khăn nên tôi thường phải đến từng gia đình tuyên truyền về cách ăn uống hợp vệ sinh, cách phòng, chống dịch bệnh, khuyến khích các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình...”.
Theo ông Lý Minh Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Khương, đội ngũ cán bộ y tế tại các thôn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập, hầu hết là những người kiêm nhiều nhiệm vụ, trình độ chuyên môn chưa cao, năng lực công tác, mức phụ cấp chưa tương xứng. Công việc của lực lượng y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản rất vất vả, không dễ làm, đòi hỏi sự kiên trì, chuyên cần và tâm huyết. Bao năm qua, những cống hiến, hy sinh của họ đã giúp cho đồng bào ở vùng cao yên tâm ổn định cuộc sống để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân, việc xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, nhất là tại tuyến huyện, xã được ngành Y tế tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng. Hiện 100% các bệnh viện đa khoa huyện, trạm y tế xã trong tỉnh đã được đầu tư, xây dựng kiên cố, trang bị đầy đủ trang thiết bị theo quy định. Cùng với đó là việc thực hiện các chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, chính sách hỗ trợ bệnh nhân là người nghèo, người dân tộc thiểu số khi đi điều trị tại bệnh viện tuyến huyện được các đơn vị y tế của Lào Cai triển khai hiệu quả theo Nghị quyết số 15/2021 của HĐND, Quyết định số 10/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai.
Việc được khám, chữa bệnh miễn phí theo chế độ Bảo hiểm y tế tại tất cả các tuyến và chính sách hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại cho bệnh nhân là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khi đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện đã giúp đồng bào mạnh dạn đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ngày càng có cơ hội được tiếp cận dịch vụ chăm sóc khỏe cơ bản…
Lào Cai hiện có 314 bác sĩ chuyên khoa I (chiếm 30% tổng số bác sĩ). Riêng tuyến huyện chỉ có 49 bác sĩ chuyên khoa I và 10 bác sĩ chuyên khoa II lâm sàng. Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có 50% bác sĩ có trình độ sau đại học (chuyên khoa I và chuyên khoa II), tại các bệnh viện tuyến huyện đảm bảo có 2 bác sĩ chuyên khoa I/khoa lâm sàng.
Bà Phạm Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân vùng khó khăn, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục nâng cao năng lực mạng lưới tuyến cơ sở, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số, tuyên truyền giáo dục sức khỏe để loại trừ dần những tập tục lạc hậu, xây dựng lối sống lành mạnh ở từng cá nhân, gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ bản cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số nhằm chăm lo sức khỏe đồng bào một cách tốt nhất…
Việc củng cố chất lượng y tế, chuẩn hóa chất lượng bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh ở tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả tích cực. Các y, bác sĩ nơi rẻo cao luôn tích cực học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng hình ảnh người thầy thuốc theo lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”, y đức người thầy thuốc phải được thể hiện ở tinh thần và việc làm “Hết lòng vì người bệnh”.
Hoàng Tâm, Trọng Chính