Những năm qua, đội ngũ y tế thôn, bản ở vùng biên giới Lai Châu đã nỗ lực vượt khó để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, phòng, chống các loại dịch bệnh. Từ đó, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cải thiện sức khỏe cho nhân dân
Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Toàn tỉnh có 20 dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Hầu hết, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Do vậy, công tác khám, chữa bệnh, tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Xác định công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của địa phương, tỉnh Lai Châu luôn chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ y tế thôn, bản. Qua đó, giúp tỉnh chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho người dân, nhất là người dân ở các vùng nông thôn đặc biệt khó khăn.
Phóng viên có dịp trở về xã biên giới Huổi Luông, cách trung tâm thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) khoảng 30 km. Dọc trên tuyến đường trung tâm xã, đâu đâu cũng thấy rợp sắc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới cùng với hàng nghìn cờ hoa rực rỡ sắc màu được nhân dân xã Huổi Luông trang hoàng trong dịp đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Xã Huổi Luông có đường biên giới dài gần 14 km với 15 cột mốc. Toàn xã có 21 bản với hơn 7.600 nhân khẩu sinh sống. Xã có gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông chiếm đa số 98%.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước về y tế mà người dân xã Huổi Luông ngày càng được tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản. Sức khỏe người dân ngày một được cải thiện và yên tâm lao động sản xuất.
Tới thăm bản Pô Tô, phóng viên nhận rõ sự đổi thay trong lĩnh vực y tế của bản. Cán bộ y tế xã và bản thường xuyên tổ chức khám bệnh sàng lọc cho người dân tại nhà, nếu phát hiện bệnh, vận động người dân đi khám tại Trung tâm Y tế huyện để điều trị kịp thời. Mặt khác, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cán bộ, nhân viên y tế cũng đã tuyên truyền, vận động nhân dân không đi lao động bên ngoài biên giới và phổ biến các quy định phòng, chống dịch tại các gia đình.
Theo người già trong bản, trước đây, đời sống của người dân còn khó khăn, nhận thức cũng hạn chế, họ mải mê vào việc lo toan cuộc sống gia đình nên không quan tâm đến sức khỏe cá nhân, người thân. Rất nhiều trường hợp khi bị ốm nặng mới đến cơ sở y tế nhưng quá muộn do bệnh đã ở giai đoạn cuối. Đặc biệt, các cháu nhỏ không được cha mẹ quan tâm chăm sóc, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em cao và nhiều cháu không được tiêm chủng vaccine theo đúng quy định, độ tuổi.
Tuy nhiên, gần 10 năm trở lại đây, nhờ sự vận động, tuyên truyền của nhân viên y tế bản mà người dân cũng dần nâng cao ý thức, xóa bỏ những tư tưởng, phong tục tập quán lạc hậu như: Chữa bệnh bằng cách mời thầy cúng về nhà, hoặc có bệnh nặng mới đi khám.
Hơn 13 năm gắn bó với công tác y tế ở bản Pô Tô, anh Giàng A Dụ vẫn luôn tâm huyết, nhiệt tình với công việc, nắm rõ tình hình sức khỏe của người dân trong thôn. Anh Dụ chia sẻ: Anh luôn chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin đời sống của hơn 70 hộ gia đình trong bản. Từ đó, có hình thức tuyên truyền phù hợp về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh nhà ở, chuồng trại chăn nuôi. Hướng dẫn người dân khi ngủ tại nương phải mắc màn, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ.
Cùng với đó, mỗi tháng vào trước ngày tiêm chủng, uống Vitamin A cho trẻ, anh Dụ đến từng nhà có trẻ nhỏ nhắc nhở gia đình đưa con trẻ đến trạm y tế xã tiêm chủng theo đúng lịch. Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng trong bản luôn đứng đầu xã, đạt 100%; tất cả phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén, 95% hộ sử dụng nước sạch, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Bà Chu Mỳ Sò, 54 tuổi, người dân tộc Hà Nhì ở bản Pô Tô phấn khởi nói: “Ngày xưa người dân ở đây khổ lắm, nếu bị bệnh phải xuống tận huyện khám, điều trị, mà đường xá đi lại rất xa. Nhiều năm nay, nhờ có cán bộ y tế xuống tận nhà tuyên truyền, vận động, tư vấn, trao đổi thông tin về các loại bệnh thường gặp ở người già mà tôi và những người khác có thêm hiểu biết phòng tránh bệnh”.
Nâng cao vai trò đội ngũ y tế thôn, bản
Trạm Y tế xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ hiện có 7 nhân viên y tế đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe cho người dân 21 bản. Ngoài đội ngũ y tế trạm, trên địa bàn xã còn có 21 nhân viên y tế thôn, bản. Đội ngũ nhân viên này có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hàng ngày, ngoài lao động sản xuất, chăm lo cho gia đình, các nhân viên y tế còn đến các gia đình trong bản để thăm hỏi, nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về dịch, bệnh của bản. Cùng với đó, tư vấn và trao đổi thông tin với người dân về công tác chăm sóc sức khỏe.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản ở xã Huổi Luông đã thể hiện được vai trò tiên phong trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại khu dân cư.
Trạm trưởng Trạm Y tế Huổi Luông Lò Văn Tiệp cho biết, ngoài công việc chung, đội ngũ y tế của trạm và bản thường xuyên xuống bản nắm tình hình, thăm khám bệnh cho nhân dân, tuyên tuyền cho họ ý thức về việc phòng tránh bệnh tật, phổ biến chính sách y tế, thực hiện các đợt tiêm chủng… Mặc dù địa bàn rộng nhưng đội ngũ y tế của xã Huổi Luông đã không quản ngại đường xa, mưa nắng, họ luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Hiện trên địa bàn huyện Phong Thổ có 166 nhân viên y tế thôn, bản. Mạng lưới nhân viên y tế này là những người đầu tiên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sức khỏe của nhân dân. Bác sĩ Chuyên khoa I, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ Dương Ngọc Hương cho biết, nhằm nâng cao vai trò của đội ngũ y tế thôn, bản, hàng tháng, Trung tâm tổ chức họp giao ban với nhân viên y tế thôn, bản để nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết những sự việc bất ngờ xảy ra.
Mặt khác, tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ y tế thôn, bản. Hiện, huyện Phong Thổ còn 5 bản chưa có nhân viên y tế, thời gian tới, Trung tâm sẽ xin cấp trên bố trí lực lượng y tế tại 5 bản này để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Bác sỹ chuyên khoa II, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu Bùi Tiến Thanh cho hay: Toàn tỉnh Lai Châu hiện có trên 900 nhân viên y tế thôn, bản, đội ngũ này được ví như “cánh tay nối dài” của ngành Y tế. Họ là người am hiểu địa bàn, gắn bó với người dân trong xóm, bản; có kỹ năng truyền thông và giao tiếp phù hợp với người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao, nhất là tại các bản vùng cao, địa bàn đặc biệt khó khăn.
Ngành Y tế tỉnh Lai Châu tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng cho đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản. Đồng thời, kiện toàn, bổ sung nhân viên y tế bản tại những thôn, bản còn thiếu; khuyến khích nhân viên y tế thôn, bản phát huy trách nhiệm trong thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân tại cơ sở.
Nguyễn Oanh