Được người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1908, sau 24 năm xây dựng, tuyến đường sắt dài 84 km nối liền phố núi mộng mơ Đà Lạt với phố biển Phan Rang - Tháp Chàm mới được hoàn thành. Có thể nói đây là tuyến đường sắt độc nhất vô nhị của Đông Dương, là một trong hai tuyến đường sắt kỳ lạ nhất thế giới bởi tuyến đường sắt này được thiết kế theo kết cấu răng cưa, để có thể leo qua con đèo Sông Pha cao tới 1.500m so với mặt nước biển. Trải qua biết bao biến cố, tuyến đường đã đi vào lịch sử của ngành công nghiệp đường sắt, hiện nay tuyến đường không còn làm chức năng vận tải thông thường mà được chuyển sang phục vụ khách du lịch.
Những toa tàu cổ được phục chế thành đoàn tàu du lịch theo đúng kiểu dáng của đoàn tàu từng chạy trên tuyến Đà Lạt-Tháp Chàm (Ninh Thuận) ở những năm 30 của thế kỉ trước. Ảnh: vncgarden.com |
Do hậu quả của chiến tranh, từ trước năm 1975, tuyến đường sắt này đã bị hư hỏng hoàn toàn, không thể sử dụng được. Hầu như toàn bộ đường ray, toa xe và đầu máy được tháo dỡ, lấy thiết bị mang đi phục vụ việc sửa chữa tuyến đường sắt Thống Nhất và bán sắt vụn. Cho tới năm 1991, ngành Du lịch phối hợp với ngành Đường sắt Việt Nam mới khôi phục lại tuyến đường sắt này để phục vụ du khách.
Dù không còn nguyên vẹn như ngày mới hoàn thành nhưng hiện nay tuyến đường sắt này vẫn còn nhà ga với kiến trúc cổ kính của châu Âu, kết hợp với ngôi nhà rông Tây Nguyên, có 3 chóp nhọn hình tam giác mô phỏng cho 3 ngọn núi của đỉnh Langbiang. Tuyến đường mới được phục hồi dài 7km từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát, mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách mua vé lên tàu trải nghiệm. Cảm giác được “xình xịch, lắc lư” trên những toa xe bằng gỗ, thiết kế của châu Âu hàng trăm tuổi ấy thật thú vị với mọi du khách. Từ những toa xe này, du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn phố phường Đà Lạt.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khi đến đây, tôi được nhìn thấy kiến trúc ga Đà Lạt vẫn giữ được những nét cổ kính như xưa.
Một du khách khác là chị Bùi Phạm Ngọc Hạnh chia sẻ: Em đến đây cũng rất nhiều lần rồi nhưng mỗi lần đến lại có cảm giác khác nhau. Đây là một địa điểm lý tưởng cho các khách đi du lịch ở Đà Lạt...
Theo một số tài liệu, tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt được nghiên cứu từ năm 1898; đến năm 1908, Toàn quyền Đông Dương đã phát lệnh khởi công xây dựng. Tám năm sau, những chuyến xe lửa đầu tiên đã bắt đầu hoạt động mỗi tuần 2 lần trên đoạn đường 38 km đầu tiên. Nhưng phải mất tới 24 năm sau đó, tuyến đường sắt nối liền phố núi Đà Lạt và phố biển Tháp Chàm mới hoàn thành. Để có thể cho tàu leo núi qua các con đèo cao, người ta đã phải xây dựng 16 km đường tàu theo nguyên lý thanh ray giữa có răng cưa, để bánh răng của đầu tàu bám chắc lên đường ray, giải quyết tình trạng trơn trượt làm trôi tàu khi qua núi. Sau hàng chục năm hoang phế, từ khoảng năm 1991, tỉnh Lâm Đồng đã phục hồi lại 7 km đường sắt, một đầu máy hơi nước cổ, cùng các đầu máy Diezen và toa tàu nguyên mẫu thế kỷ trước để phục vụ khách du lịch.
Cụ Lê Thanh Bình, 72 tuổi đến từ Thái Bình cho biết: “Lần đầu tiên tôi được tới thăm tuyến đường tàu cổ nhất Việt Nam này, rất thú vị khi biết đây là 1 trong 2 đường sắt răng cưa của thế giới. Điểm du lịch này có những nét cổ kính rất thu hút khách du lịch. Nếu cơ quan chủ quản tạo thêm được những cảnh quan đẹp như các điểm khác trong thành phố thì sẽ hấp dẫn hơn…”.
Đi du lịch trên tuyến đường sắt cổ nhất Việt Nam tại Đà Lạt giờ đã trở thành một trong những trải nghiệm thú vị cho mỗi du khách khi đặt chân tới vùng đất mộng mơ này. Bởi vậy, nhiều du khách dù đã tới Đà Lạt rất nhiều lần nhưng vẫn ghé thăm nhà ga Đà Lạt cổ kính, chụp ảnh với chiếc đầu tàu hơi nước có tuổi thọ hàng trăm năm. Những điều này đã tạo cho ga Đà Lạt trở thành 1 điểm du lịch hấp dẫn nhất của thành phố ngàn hoa này.
Ông Nguyễn Võ Minh Chánh, Trưởng ga Đà Lạt cho biết: Từ lúc khôi phục lại tuyến Đà Lạt - Tháp Chàm đến nay, lượng khách du lịch đi tàu rất cao, ban đầu dự kiến 10 chuyến/ngày, nhưng sau đó đã tăng lên 18 chuyến/ngày để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đơn vị cũng đã đóng 2 toa xe theo thiết kế cổ của châu Âu rất đẹp và sang trọng để phục vụ du khách.
Chu Quốc Hùng
TTXVN