Là những người nắm giữ, thực hành, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể, từ lâu, các nghệ nhân Hà Nội được coi là "báu vật", "bảo tàng sống", "linh hồn" của loại hình này và họ cũng chính là di sản văn hóa. Dù trước đó chưa có bất kỳ một ràng buộc nào nhưng các nghệ nhân đều coi việc nắm giữ, thực hành, trao truyền di sản là trách nhiệm của mình. Trước những đòi hỏi thực tiễn trong việc bảo tồn, phát huy loại hình này, lần đầu tiên Hà Nội đã đặt ra vấn đề về vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố.
Quan tâm đãi ngộ nghệ nhân
Hà Nội hiện có 131 nghệ nhân, gồm 18 Nghệ nhân Nhân dân, 113 Nghệ nhân Ưu tú thuộc các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Tuy nhiên, đến nay, 18 nghệ nhân đã mất, gồm 4 Nghệ nhân Nhân dân và 14 Nghệ nhân Ưu tú; các nghệ nhân khác đa phần đều cao tuổi. Với trách nhiệm của những người nắm giữ di sản, từ trước đến nay, các nghệ nhân đều gắn bó với vốn văn hóa quý của quê hương vì đam mê và tâm huyết. Không chỉ bỏ công sức sưu tầm tư liệu để khôi phục di sản, vận động mọi người tham gia luyện tập, đào tạo lớp trẻ kế cận mà họ còn tự bỏ kinh phí ra duy trì hoạt động. Trong khi đó, 91 nghệ nhân không có lương và không có thu nhập ổn định. Đó cũng là điều khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể.
Sau rất nhiều năm chờ đợi, tại Kỳ họp lần thứ 10, tháng 12/2022, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Như vậy, bên cạnh tiền thưởng theo quy định khi được phong tặng nghệ nhân, các nghệ nhân và câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể còn được thành phố quan tâm, hỗ trợ trong quá trình hoạt động.
Theo đó, 14 Nghệ nhân Nhân dân còn sống nhận 40 triệu đồng/người, 103 Nghệ nhân Ưu tú còn sống nhận 30 triệu đồng/người. Việc đãi ngộ có ý nghĩa to lớn, kịp thời động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy giá trị các di sản đang nắm giữ. Các nghệ nhân rất phấn khởi khi nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ này. Bên cạnh đó, khi mỗi Câu lạc bộ được thành lập được hỗ trợ 50 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, đạo cụ; hỗ trợ hàng năm 20 triệu đồng kinh phí hoạt động thường xuyên. Đến nay, hai Câu lạc bộ đã được thành lập: Câu lạc bộ Trống quân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) và Câu lạc bộ ca trù Yên Nghĩa (quận Hà Đông); hoàn thiện thủ tục thành lập 10 Câu lạc bộ như: Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, Chanh Thôn, Câu lạc bộ Múa bồng Triều Khúc, Câu lạc bộ Tuồng xã Xuân Nộn…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: Nghị quyết của thành phố có tác động xã hội tích cực, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, vinh danh đãi ngộ các nghệ nhân thực hành, truyền dạy. Qua đó động viên, khích lệ, giải quyết phần nào khó khăn trong đời sống của các nghệ nhân, khó khăn trong hoạt động của các câu lạc bộ lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố.
Nâng cao trách nhiệm của các nghệ nhân
Do sự tác động của cuộc sống hiện tại đến việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, không ít loại hình di sản đang đứng trước nguy cơ mai một. Sức sống của di sản đang phụ thuộc rất lớn vào cộng đồng, trong đó nghệ nhân chính là các hạt nhân trong việc gìn giữ, truyền dạy, quảng bá di sản. Bởi, nghệ nhân là người nắm giữ vốn tri thức dân gian, hiểu biết sâu sắc về di sản đang nắm giữ và là người có năng lực thực hành, sáng tạo, truyền dạy các di sản văn hóa của cộng đồng. Hầu hết nghệ nhân là những người cao tuổi, được cộng đồng tôn trọng nên dễ vận động, thu hút cộng đồng tham gia gìn giữ di sản. Bởi vậy, vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân đang được đặt ra rất lớn để lan tỏa, tạo sức sống bền vững cho di sản.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: Nhờ sự đam mê, kiên trì của các nghệ nhân dân gian, một số loại hình nghệ thuật trình diễn ở Hà Nội tưởng chừng như bị lãng quên đã được Nhà nước và cộng đồng địa phương nhìn nhận, ghi danh như: Múa Ải Lao, múa Bài bông, hát múa Cửa đình… Nghệ nhân là người có khả năng tái hiện và tái tạo những giá trị truyền thống, từ đó giúp thực hiện việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa của một cộng đồng. Qua sự sáng tạo và tài năng của mình, nghệ nhân không chỉ làm sống lại các nét văn hóa dân gian truyền thống mà còn giúp nâng cao giá trị của chúng.
Một trong vấn đề quan trọng khác đối với nghệ nhân, đó là việc trao truyền di sản trong cộng đồng. Nghệ nhân tò he Nguyễn Văn Định, thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên cho biết: Từ năm 2012 đến nay, ông cùng những người làm tò he trong làng phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội truyền dạy cho các em tập làm quen với đồ chơi dân gian tò he. Riêng với các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn xã Phượng Dực, ông và mọi người thường xuyên tổ chức truyền dạy. Chính vì vậy, Nghệ nhân Nguyễn Văn Định và những người làm nghề trong thôn được thành phố Hà Nội và huyện Phú Xuyên tặng nhiều Bằng khen trong việc giữ gìn, truyền dạy di sản văn hóa.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định: Nghệ nhân là người thực hành di sản văn hóa phi vật thể, được truyền dạy, kế thừa, rồi tiếp tục thực hành, trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Quá trình thực hành là quá trình sáng tạo, bởi mỗi lần thực hành là một lần di sản văn hóa phi vật thể được biểu hiện khác nhau.
Hiện nay, nhiều di sản tại Thủ đô đã được kiểm kê, nhận diện để kịp thời có các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị. Để đạt hiệu quả trong công tác đó, không thể không nhắc tới vai trò của các cộng đồng và những người thực hành di sản, đặc biệt là nghệ nhân.
Đinh Thuận