Trà Vinh thêm chính sách phát triển các làng nghề truyền thống

Trà Vinh thêm chính sách phát triển các làng nghề truyền thống

Tỉnh Trà Vinh có tiềm năng phát triển các ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Thế nhưng những năm qua, nhiều sản phẩm của làng nghề ở tỉnh Trà Vinh luôn gặp khó khi đưa ra thị trường, giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống mang lại không cao; năng lực và quy mô sản xuất của nhiều làng nghề đang dần bị thu hẹp. Vì vậy, tỉnh Trà Vinh đang chủ trương thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống.

Tỉnh Trà Vinh hiện có trên 12.200 cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn; trong đó, gần 7.800 cơ sở tập trung chủ yếu vào 13 làng nghề truyền thống, với khoảng 36.400 lao động. Tuy nhiên hiện nay, các làng nghề ở địa phương hoạt động không còn hiệu quả như trước. Bởi, các cơ sở sản xuất ở làng nghề chủ yếu quy mô hộ gia đình, nên hạn chế về nguồn vốn mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật… Từ đó, sản phẩm làng nghề ở Trà Vinh rất khó cạnh tranh trên thị trường. Nhiều làng nghề đang dần bị thu hẹp quy mô sản xuất.

Trà Vinh thêm chính sách phát triển các làng nghề truyền thống ảnh 1Sơ chế làm cá khô tại Làng nghề khai thác sơ chế, chế biến thuỷ sản thị trấn Mỹ Long. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN

Các làng nghề ở Trà Vinh tập trung vào 3 nhóm ngành nghề chính. Nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 4 làng nghề, gồm: làng nghề sơ, chế biến thủy sản Xóm Đáy, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải; làng nghề nấu rượu Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành; làng nghề bánh tét Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang; làng nghề khai thác, sơ chế, chế biến thủy hải sản thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang.

Nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 7 làng nghề, gồm: làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long; làng nghề tiểu thủ công nghiệp, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành; làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An, xã Đại An; Làng nghề Đan đát - Thủ công mỹ nghệ xã Lương Hòa, huyện Châu Thành; làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân, huyện Trà Cú; làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang; làng nghề bó chổi ấp Tân Thành Đông, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần.

Nhóm ngành sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có Làng nghề trồng hoa kiểng ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức và Làng nghề trồng hoa kiểng ấp Long Bình, Phường 4, thành phố Trà Vinh.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, những năm trước đây, các làng nghề ở Trà Vinh đã góp phần giải quyết việc làm lao động nông thôn, tạo thêm nguồn thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, đóng góp đáng kể vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Tuy nhiên, do đa phần sản xuất kinh doanh theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư thiết bị máy móc hiện đại… nên sản phẩm của các cơ sở trong làng nghề không đa dạng, chưa đáp ứng được yêu cầu thị hiếu người tiêu dùng nên rất khó cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, một số làng nghề còn gặp khó do thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất, nguồn nhân lực kế thừa...

Đơn cử như làng nghề khai thác sơ chế, chế biến thuỷ sản thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận năm 2011. Hiện làng nghề này chỉ còn 96 cơ sở sản xuất, giảm hơn 50% so với những năm trước; giải quyết việc làm cho trên 500 lao động, với thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Gia đình ông Lương Văn Giàu, khóm 3, thị trấn Mỹ Long tham gia làng nghề hơn 10 năm chia sẻ, khoảng 3 năm nay, việc sản xuất của gia đình ông và nhiều cơ sở trong làng nghề liên tục gặp khó. Sản lượng đánh bắt thủy sản ở địa phương giảm nên phải mua tôm, cá tươi qua thương lái, thiếu vốn để trang bị thiết bị máy móc hiện đại, thiếu lao động… là những nguyên nhân khiến chi phí sản xuất ngày càng tăng. Hiện, mỗi ngày, gia đình ông cung cấp cho thị trường từ 50-70 kg tôm, cá khô các loại (giảm khoảng 30 kg so những năm trước), với mức lợi nhuận cũng giảm đáng kể.

“Do chúng tôi sản xuất thủ công theo phương pháp truyền thống nên hầu như phơi tôm, cá khô trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, vì vậy rất cần được tiếp cận nguồn vốn đầu tư tủ đông bảo quản nguồn nguyên liệu trong mùa mưa bão”, ông Giàu bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Dài, Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long cho biết, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cho làng nghề phụ thuộc phần lớn vào sản lượng khai thác. Nhưng do địa phương không có bến bãi nên tàu thuyền không tập trung được. Trước đây, thị trấn có khoảng 100 chiếc tàu đánh bắt nhưng hiện chỉ còn 35 chiếc. Vì vậy, các cơ sở trong làng nghề phải mua tôm cá tươi qua trung gian với giá cao. Thêm nữa, các chủ cơ sở đều cần vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị nhưng lại thiếu tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Hầu hết sản phẩm ở làng nghề chưa có thương hiệu, chưa đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nên thị trường tiêu thụ không ổn định, khó cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở ở làng nghề ở huyện Trà Cú có nhãn hiệu, là cơ sở Trì Cảnh (Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang) và cơ sở Diệp Thị Trang (Làng nghề đan đát xã Đại An).
Cùng với đó là hệ thống hạ tầng địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển làng nghề; nhất là hệ thống cấp thoát nước thải chưa hoàn thiện, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Để bảo tồn và phát triển các làng nghề tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp; tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, cùng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ các làng nghề đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ trực tiếp một lần 50 triệu đồng/làng nghề để xây dựng phương án bảo vệ môi trường, làm hồ sơ đề nghị công nhận, xây dựng biển quảng bá, chỉ dẫn và tổ chức lễ công bố làng nghề…

Đồng thời, tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, tỉnh khuyến khích các cơ sở tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã để tăng giá trị; chủ động liên kết, liên doanh trong sản xuất, phân phối; phát triển làng nghề gắn với du lịch… Khuyến khích các cơ sở ngành nghề nông thôn trong các làng nghề áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, gắn với việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề và bảo vệ môi trường.

Tỉnh thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới... Đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, …cho các sản phẩm làng nghề; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về ngành nghề nông thôn, thu hút các nghệ nhân tham gia các hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận, bảo tồn làng nghề truyền thống.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông, trong bối cảnh hiện nay, để các làng nghề truyền thống có thể tồn tại và trụ vững, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các làng nghề cần nỗ lực tự thân phát huy kinh nghiệm cùng sự sáng tạo, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để thích ứng với cơ chế thị trường. Các cơ sở sản xuất ở làng nghề cần mạnh dạn thay đổi tư duy, đầu tư máy móc, công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã phù hợp thị hiếu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu

Thanh Hoà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm