Trà Vinh, Sóc Trăng tổ chức giải đua ghe Ngo mừng Lễ hội Ok Om Bok

Các đội ghe Ngo tranh tài quyết liệt tại Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng 2023. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Các đội ghe Ngo tranh tài quyết liệt tại Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng 2023. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Trong 2 ngày 25 và 26/11, Giải đua ghe Ngo tỉnh Trà Vinh mở rộng mừng Lễ hội Ok Om Bok năm 2023 của đồng bào Khmer được tổ chức tại sông Long Bình, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Trà Vinh, Sóc Trăng tổ chức giải đua ghe Ngo mừng Lễ hội Ok Om Bok ảnh 1Giải đua ghe Ngo tỉnh Trà Vinh mở rộng mừng Lễ hội Ok Om Bok năm 2023 của đồng bào Khmer được tổ chức tại sông Long Bình, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: baotravinh.vn

Tham dự giải năm nay có 9 đội ghe Ngo đến từ 8 huyện, thành phố trong tỉnh gồm: Càng Long, Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè, thành phố Trà Vinh và đội ghe Ngo khách mời đến từ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Theo Ban Tổ chức, giải đua năm nay được mở rộng thêm nội dung thi đấu. Các đội ghe Ngo sẽ tham gia thi đấu ở 2 cự ly là 1.000m, 800m dành cho nam và 800m dành cho nam nữ phối hợp. Các đội bốc thăm bắt cập thi đấu theo hình thức loại trực tiếp từ vòng loại, bán kết và chung kết xác định đội vô địch. Các trận đấu chung kết và trao giải diễn ra vào ngày 26/11.

Kết quả chung cuộc, đội ghe Ngo huyện Càng Long xuất sắc đoạt cúp vô địch ở cả 3 nội dung: cự ly 1.000m nam, 800m nam, và 800m nam nữ phối hợp. Ở cự ly 1.000m nam, đội Cầu Kè đoạt giải Nhì và đội Trà Cú giải Ba; cự ly 800m nam, đội Châu Thành hạng Nhì và Trà Cú hạng Ba; ở cự ly 800m nam nữ phối hợp, đội Cầu Kè hạng Nhì, đội Tiểu Cần và đội Duyên Hải đồng hạng ba.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Đua ghe Ngo là một trong những hoạt động sôi nổi, mang nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer được tỉnh tổ chức hàng năm tại Lễ hội Ok Om Bok. Đây là hoạt động văn hóa thể thao thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết và văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng.

Cùng với giải đua ghe Ngo, tại khu Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Ao Bà Om còn diễn ra các hoạt động triển lãm, văn nghệ, thể thao như: bóng đá, bóng chuyển, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, liên hoan ẩm thực… để phục vụ đồng bào Khmer trong tỉnh và khách du lịch trong suốt Tuần Văn hóa, du lịch và Liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2023 diễn ra từ ngày 21 đến 27/11.

Trà Vinh, Sóc Trăng tổ chức giải đua ghe Ngo mừng Lễ hội Ok Om Bok ảnh 2Các đội ghe Ngo tranh tài quyết liệt tại Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng 2023. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Trưa 26/11, tại trường đua ghe Ngo trên sông Maspero, thành phố Sóc Trăng, hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về Sóc Trăng dự khán và cổ vũ cho giải đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng. Đây là một trong những hoạt động chính nằm trong khuôn khổ Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2023.

Đua ghe Ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, được các địa phương nâng lên thành lễ hội. Giải đua năm nay có 40 đội ghe Ngo nam và 6 đội ghe Ngo nữ của các đội ghe Ngo các chùa Khmer tại Sóc Trăng và các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ với trên 4.000 vận động viên tham gia tranh tài các nội dung đua 1.200m (đua nam) và 1.000m (đua nữ).

Hội đua năm nay diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11. Tuy năm nay tổ chức giải cấp tỉnh nhưng Ban Tổ chức giải đua đã vận động các nguồn lực xã hội để trao thưởng bằng với năm tổ chức cấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Giải nhất ghe nam là 200 triệu đồng, nhì 150 triệu đồng, giải ba 100 triệu đồng và giải nhất, nhì, ba ghe nữ tương ứng là 150, 120, 80 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi đội tham gia đua sẽ được Ban Tổ chức hỗ trợ 30 triệu đồng, cao hơn 10 triệu so với giải năm trước.

Đua ghe Ngo là bộ môn thể thao “vua” của đồng bào Khmer, có sức hút rất lớn với khán giả trong và ngoài tỉnh, nhất là với đồng bào Khmer trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy, từ trước giải khoảng 1 tháng, các đội tập luyện rất quyết liệt.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, giải đua ghe Ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, là hoạt động được mong chờ nhất trong tuần Lễ hội năm nay. Đây cũng là niềm tự hào về văn hóa của tỉnh khi Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2022 và đã được Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận Kỷ lục là môn thể thao có số lượng ghe ngo và vận động viên nhiều nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay.

Trong ngày đầu giải diễn ra, đã có 66 trận đua của các ghe Ngo nam và nữ tranh tài rất quyết liệt để chọn 32 đội ghe nam và 4 đội ghe Ngo nữ vào tranh tài loại trực tiếp, tứ kết, bán kết, tranh chức vô địch trong ngày 27/11.

Phúc Sơn, Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm