Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong và ngoài nước để sản xuất các sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Hoạt động này nhằm chuyển đổi mô hình sản xuất hàng hóa phục vụ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ phục vụ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và gia tăng giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2025 có ít nhất 7 nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, có lợi thế cạnh tranh; số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 - 15%; ít nhất 20 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn tỉnh; tối thiểu 50% diện tích đất nông nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh đã có nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý được cấp mã số vùng trồng.
Đồng thời, tỉnh triển khai ít nhất 11 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ bảo hộ 10 nhãn hiệu tập thể, 50 nhãn hiệu thông thường, 10 kiểu dáng công nghiệp, 5 sáng chế/giải pháp hữu ích và 5 nhãn hiệu được đăng ký quốc tế.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn, ứng dụng cây trồng có nguồn gen quý, có khả năng thích ứng với tình trạng hạn, mặn; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào, công nghệ sinh sản nhằm tăng năng suất, chất lượng và cải thiện di truyền ở vật nuôi; nghiên cứu triển khai Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm phục vụ trong chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, các sản phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản (tập trung vào tôm, cua, cá da trơn, cá lóc,...), hạn chế ô nhiễm, phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường…
Tỉnh ưu tiên hỗ trợ các cơ sở chế biến ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây quản lý cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý gắn kết với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, rà soát, đề xuất chuyển giao kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị chuỗi sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp.
Thanh Hòa