Trên mạng xã hội Twitter, Đại sứ Mỹ tại New Zealand Mark Gilbert (Mác Gin-bớt) cho biết yêu cầu trên là "không có ngoại lệ" và khẳng định sẽ rời New Zealand trước ngày 20/1. Đại sứ Mỹ tại Canada Bruce Heyman (Brút Hây-man) cũng thông báo ông đã đệ đơn từ chức "theo yêu cầu".
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Hershey, bang Pennsylvania ngày 15/12. AP/TTXVN |
Trước đó, ngày 5/1, tờ "New York Times" (Thời báo Niu Y-oóc) đưa tin nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã có chỉ thị yêu cầu các Đại sứ được Tổng thống Obama bổ nhiệm phải rời nhiệm sở trước thời điểm ông Trump nhậm chức. Báo trên dẫn lời một số quan chức ngoại giao cho biết chỉ thị này là "không có ngoại lệ" và được gửi qua đường điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23/12.
Tuy nhiên chỉ thị này không bao gồm các đại sứ là nhà ngoại giao chuyên nghiệp trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ mà chỉ áp dụng với các Đại sứ được bổ nhiệm chính trị, tức là do Tổng thống, phó Tổng thống hay người đứng đầu các cơ quan ban ngành đích thân đề cử. Trong vài thế kỷ qua, khoảng 30% Đại sứ Mỹ là những người được "bổ nhiệm chính trị" trong khi 70% là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby (Giôn Cơ-bi) xác nhận thông tin trên, cho hay tất cả các Đại sứ được bổ nhiệm chính trị đã được yêu cầu nộp đơn từ chức và sẽ chính thức rời nhiệm sở vào ngày 20/1. Tuy nhiên, ông Kirby cho hay đây là thủ tục phổ biến đối với các nhà ngoại giao được bổ nhiệm chính trị khi có sự chuyển giao chính quyền.
Một thành viên của nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump khẳng định chỉ thị trên chỉ đơn giản nhằm đảm bảo các đặc phái viên của Chính quyền Tổng thống Obama rời nhiệm sở đúng thời hạn, tương tự như hàng nghìn trợ lý đang phục vụ tại Nhà Trắng và các cơ quan liên bang.
Tuy nhiên, động thái trên có nguy cơ khiến Mỹ không có đại diện trong nhiều tháng tại một số quốc gia quan trọng như Đức, Canada, Anh. Đại sứ của Mỹ tại nước ngoài cần được Thượng viện thông qua./.