Tôn vinh giá trị truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ

Các đội ghe Ngo tập kết chuẩn bị thi đấu tại giải đua ghe Ngo Sóc Trăng 2020. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Các đội ghe Ngo tập kết chuẩn bị thi đấu tại giải đua ghe Ngo Sóc Trăng 2020. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII sẽ diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng từ ngày 6-8/11; một số hoạt động thể thao bắt đầu từ ngày 4/11. Có 12 tỉnh, thành phố sẽ tham gia các hoạt động trong Ngày hội gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôn vinh giá trị truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ ảnh 1Các đội ghe Ngo tập kết chuẩn bị thi đấu tại giải đua ghe Ngo Sóc Trăng 2020. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Ngày hội có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển” nhằm tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Ngày hội cũng góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW; Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị.

Các chương trình trong Ngày hội được chuẩn bị chu đáo, gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố. Nội dung hoạt động văn hóa của Ngày hội do các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng là người dân tộc Khmer thực hiện, có sự tham gia của các chức sắc tôn giáo tiêu biểu; đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố thời đại.

Tham gia Ngày hội, các tỉnh, thành phố sẽ trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam; thành tựu trong sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng; sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương. Các địa phương cũng trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản, trình diễn chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực, món ăn truyền thống tiêu biểu; trình diễn nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, nhạc cụ dân tộc.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương sẽ tham gia 4 tiết mục trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc; độc tấu, hòa tấu nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Khmer của địa phương trong Liên hoan Văn nghệ quần chúng; lồng ghép với trình diễn giới thiệu trang phục dân tộc Khmer đặc trưng của địa phương (gồm 3 nội dung là trang phục ngày thường, lễ hội, lễ cưới)…

Các địa phương cũng lựa chọn và dàn dựng trích đoạn giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa và diễn tấu nhạc ngũ âm của dân tộc Khmer có giá trị đặc sắc, mô phỏng khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống. Cùng với đó, mỗi địa phương trưng bày, trình diễn chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực dân tộc Khmer truyền thống, đảm bảo tính đặc trưng, thẩm mỹ, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mỗi địa phương sẽ giới thiệu ấn phẩm du lịch, chương trình tour tham quan giới thiệu điểm đến; chủ động tổ chức ứng dụng và sử dụng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung của Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (logo và slogan)…

Trong khuôn khổ của Ngày hội, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năm 2022 được tổ chức, tạo cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm