Tôn vinh áo dài Việt Nam tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Các mẫu áo dài tại buổi họp báo. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN
Các mẫu áo dài tại buổi họp báo. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN

Chiều 6/4, tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long phối hợp cùng Tạp chí Tinh hoa Đất Việt tổ chức công bố sự kiện “Áo dài của chúng ta”.

Tôn vinh áo dài Việt Nam tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ảnh 1Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN

Đây là sự kiện chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chào mừng Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tôn vinh nét đẹp áo dài, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.

Áo dài là một di sản văn hóa quan trọng của Việt Nam, gắn liền với vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến đề xuất UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Ngôn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, cho biết, áo dài Việt Nam đang trong hành trình tự khẳng định với tư cách là di sản văn hóa, bởi nó không chỉ là hình thức vật chất mà trong đó có cả truyền thống văn hóa. Tôn vinh áo dài không chỉ là tôn vinh vẻ đẹp của nó mà còn là tôn vinh vẻ đẹp và tinh thần của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài Việt Nam không chỉ mang tính dân tộc ở hình thức mà còn ở chất liệu truyền thống từ tơ tằm và cây gai. Do đó các mẫu áo dài trong sự kiện tahi Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám chủ yếu được làm từ gai và lụa tơ tằm.

Tôn vinh áo dài Việt Nam tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ảnh 2Các mẫu áo dài tại buổi họp báo. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN
Tôn vinh áo dài Việt Nam tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ảnh 3Các mẫu áo dài tại buổi họp báo. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN
Tôn vinh áo dài Việt Nam tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ảnh 4Các mẫu áo dài tại buổi họp báo. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN
Tôn vinh áo dài Việt Nam tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ảnh 5Các mẫu áo dài tại buổi họp báo. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN

Tham gia sự kiện có 15 nhà thiết kế với 15 bộ sưu tập áo dài, lấy ý tưởng từ 15 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nhà thiết kế nổi tiếng: Minh Hạnh, Lan Hương, Chu La, Ngọc Hân, Công Huân… Điều đáng chú ý, chương trình “Áo dài của chúng ta” không chỉ tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc mà các mẫu thiết kế còn thể hiện sự giao lưu văn hóa với các quốc gia.

Trong 15 bộ sưu tập, chỉ có một bộ sưu tập mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Còn lại 14 bộ sưu tập được các nhà thiết kế lấy ý tưởng từ văn hóa các quốc gia từ châu Á đến châu Âu. Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng nét sang trọng của hoàng gia Thái Lan, những hoa văn cung đình của Ấn Độ, hình bóng của bộ hanbok Hàn Quốc, những câu chuyện thần thoại của Hy Lạp, hình tượng hoa tuy lip của Hà Lan hay biểu tượng của nền văn hóa Nga… Các nhà thiết kế đã khai thác các yếu tố văn hóa, mỹ thuật của các quốc gia và đưa vào các họa tiết, hoa văn trang trí, các phụ kiện trong trang phục áo dài Việt Nam.

Các nhà thiết kế sẽ giới thiệu hơn 600 bộ áo dài qua sự trình diễn của hơn 400 phu nhân đại sứ các nước, diễn viên, người mẫu. Trong số này có phu nhân đại sứ các nước: Italy, Ấn Độ, Lào, Belarus… cùng các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh của Việt Nam, 90 người mẫu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, 100 học viên của Học viện Phụ nữ và các em thiếu nhi Hà Nội.

Tôn vinh áo dài Việt Nam tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ảnh 6Các nhà thiết kế nhận quà tặng của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Tuấn Đức – TTXVN

Sự kiện “Áo dài của chúng ta” sẽ diễn ra vào tối 9/4 tại sân Nhà Thái học thuộc Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Các người mẫu, diễn viên sẽ trình diễn trên một sân khấu đặc biệt, được trang trí bằng những kén tằm và 5.000 chậu cây gai.

Nhân dịp này, các nhà thiết kế trao tặng 15 bộ áo dài cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Đinh Thuận

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm