Khu vực bờ biển Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Sự xâm thực của biển thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng mạnh hơn, diễn biến phức tạp, khó lường, mức độ xói lở rất nguy hiểm. Nếu không có giải pháp kịp thời, tích cực để phòng, chống xói lở bờ biển, các tác động xấu sẽ ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và những công trình khác trong khu vực. Đặc biệt, một số đoạn bờ biển trên địa bàn các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương, tình trạng xói lở xảy ra nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê điều đối với tuyến đê biển phía trong, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến diện tích sản xuất của nhân dân. Đến nay, bờ biển Kiên Giang bị xói lở, với tổng chiều dài 64,37 km, trong đó 31,21 km xói lở đặc biệt nguy hiểm, 11,25 km xói lở nguy hiểm và 21,91 km đang xói lở. Hiện nay, phần lớn chiều dài bờ biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chưa được đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ. Do đó, hiện tượng xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các công trình, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân ven biển... Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, bờ biển Kiên Giang có tổng chiều dài khoảng 200 km, tình hình xói lở ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đơn vị vừa đề xuất giải pháp hộ đê khẩn cấp tại vàm Kim Quy thuộc xã Vân Khánh, huyện An Minh. Theo đó, đoạn bờ biển tại vàm Kim Quy đang diễn ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 300 m. Hầu hết diện tích rừng phòng hộ ven biển tại đoạn này bị mất, sạt lở bờ biển đến tận chân đê và đã vỡ đê với chiều dài 250m, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân trong khu vực.
Sạt lở khu vực bờ biển Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang) gây sụp đất nhà dân. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Thời gian qua, một số nhà của người dân sinh sống ven biển bị sụp, lở nền nhà nên phải di dời đến nơi ở mới. Hiện nay, còn một số hộ dân có nền nhà bị sạt lở nhưng vẫn sinh sống trên các nhà bằng gỗ, cách bờ từ 20 - 50 m; đường dẫn từ bờ ra nhà bằng cầu cây rất nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão. Ngoài ra, hệ thống đường dây điện qua khu vực này cũng đang đối mặt với tình trạng mất an toàn do sạt lở đất đến chân cột điện. Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiến nghị UBND tỉnh quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đê biển khu vực vàm Kim Quy theo quy định tại Luật phòng, chống thiên tai; cấp kinh phí để hộ đê khẩn cấp theo hướng kiên cố. Trước mắt, đề nghị UBND huyện An Minh khẩn trương tuyên truyền, vận động các hộ dân đang trong vùng nguy hiểm chủ động di dời vào nơi an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản. Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, để thực hiện các giải pháp đối phó và khắc phục tình trạng xói lở bờ biển, ước tính tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Trong năm 2018, UBND tỉnh Kiên Giang đã có tờ trình đề nghị xử lý cấp bách phòng, chống sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn tỉnh, với kinh phí đề nghị Trung ương hỗ trợ 300 tỷ đồng để kịp thời khắc phục đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại các huyện An Minh, An Biên và Kiên Lương. Theo đó, Trung ương đã có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình bảo vệ khoảng 16,5 km bờ biển bị xói lở đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn các huyện An Minh, An Biên và Hòn Đất, với tổng kinh phí khoảng 302 tỷ đồng. Trong đó, 172 tỷ được hỗ trợ từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới để xây dựng công trình bảo vệ bờ biển với chiều dài 10 km, đoạn từ Tiểu Dừa đến Chủ Vàng thuộc huyện An Minh; 50 tỷ đồng hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương 2018 để xử lý sạt lở cấp bách bờ biển dài 2,5 km tại khu vực Mũi Rảnh thuộc huyện An Biên; 80 tỷ từ nguồn vốn biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm xử lý đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 4 km tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất. Ông Mai Anh Nhịn cho biết thêm, thời gian tới, Kiên Giang xác định việc đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển ở các khu vực bị xói lở là rất cần thiết và cấp bách nhằm bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, cơ sở hạ tầng và dân cư ven biển. Đồng thời, tỉnh xây dựng công trình phá sóng để gây bồi, tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn và tạo sinh kế cho người dân ven biển. Nhu cầu vốn đầu tư khắc phục và phòng, chống xói lở bờ biển tại các đoạn nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm rất lớn, trong khi hiện nay ngân sách địa phương rất khó khăn nên việc bố trí kinh phí để xây dựng các công trình là ngoài khả năng của tỉnh...Vì vậy, tỉnh đề nghị Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí để tỉnh Kiên Giang có nguồn vốn thực hiện các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh.
Lê Sen