Ở bệnh nhân mắc COVID-19, tỷ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc chiếm 33%; đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong ở đối tượng này. Thông tin này được chia sẻ tại Hội nghị khoa học "Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị COVID-19" do Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng tổ chức, ngày 21/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Nghiên cứu "Thực trạng siêu nhiễm trùng ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2" được bác sĩ Nguyễn Thị Trang và các cộng sự công tác tại Bệnh viện Quân y 175 thực hiện trên 3.407 mẫu bệnh phẩm từ Trung tâm Điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 từ tháng 7/2021 đến tháng 5/2022. Kết quả cho thấy, đa số các vi khuẩn được phân lập trên bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian điều trị có tỷ lệ kháng thuốc khá cao. Tỷ lệ đồng nhiễm vi khuẩn và siêu vi nhiễm trùng nói chung là thấp ở bệnh nhân COVID-19 nhẹ. Tuy nhiên, những bệnh nhân nặng phải nhập viện và điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU), tỷ lệ này cao hơn đáng kể, dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc. Ở bệnh nhân mắc COVID-19 trong nhóm nghiên cứu, tỷ lệ kháng thuốc ở các chủng phân lập được là 59%; trong đó, tỷ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc chiếm 33%, kháng mở rộng 52%, đáng chú ý tỷ lệ toàn kháng (kháng toàn bộ các loại kháng sinh) lên đến 15%. Từ nghiên cứu trên, các bác sĩ đưa ra kết luận, siêu vi nhiễm trùng tỷ lệ cao là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc COVID-19.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Một nghiên cứu khác về "Ảnh hưởng của vaccine phòng COVID-19 lên độ nặng và diễn tiến bệnh ở bệnh nhân mắc COVID-19" đã được thực hiện trên 244 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông. Theo nhóm nghiên cứu, các loại vaccine phòng COVID-19 đã làm giảm rõ rệt tỷ lệ bệnh nặng, nguy kịch. Cụ thể, với nhóm chưa tiêm vaccine, tỷ lệ chuyển nặng là 44,4%; nhóm tiêm 1 mũi là 10,1% và nhóm đã tiêm 2 mũi chỉ có 2%. Các biến chứng suy hô hấp, tổn thương thận cấp và bội nhiễm phổi giảm dần ở những người đã tiêm mũi 1, mũi 2. Đáng chú ý, nghiên cứu không ghi nhận trường hợp đã tiêm 2 mũi vaccine phải điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt; trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm chưa tiêm là 20,6% và nhóm đã tiêm 1 mũi là 5%
Hội nghị còn có 30 báo cáo của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành thuộc các đơn vị đã từng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 như: Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Bệnh viện Trưng Vương…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Hội nghị là dịp các y, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị COVID-19. Đây cũng là cơ hội nhằm trao đổi, tổng kết kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, từ đó đưa ra các bài học phục vụ cho chiến lược chống dịch thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới với sự xuất hiện thêm nhiều biến chủng đáng quan ngại (như BA.4, BA.5, BA.2.75), ngành Y tế phải chủ động mọi điều kiện, sẵn sàng cho tình huống dịch bệnh bùng phát trở lại và quyết tâm không để Thành phố Hồ Chí Minh tái bùng phát dịch mạnh như thời điểm một năm trước.
Đinh Hằng