Gia đình chị Hoàng Thị Lìm, dân tộc Tày, ở xã Đoài Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở để cải tạo nhà, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Làng nghề truyền thống ở Phúc Sen, huyện Quảng Uyên chuyên sản xuất các sản phẩm như dao, búa và nông cụ. Tại đây, có khoảng 200/461 hộ, thuộc 6 xóm làm nghề rèn truyền thống với gần 150 lò rèn, trung bình mỗi lò có từ 2 - 3 lao động. Ông Lương Văn Học (xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên) là đời thứ 3 trong gia đình tiếp nối nghề rèn truyền thống. Trước đây, do thiếu vốn sản xuất nên bà con trong làng nghề chỉ sản xuất các sản phẩm đơn giản, quy mô nhỏ, chủ yếu là thủ công nên hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, sản phẩm rèn của làng nghề đã vươn ra thị trường lớn hơn. Gia đình ông và nhiều hộ làm nghề rèn đã vay vốn tín dụng chính sách xã hội để đầu tư một số thiết bị máy móc. Sau khi được đầu tư, công việc nghề rèn có nhiều thuận lợi hơn, sản phẩm làm ra đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Lò rèn gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động nông thôn với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chương trình vay vốn tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Để duy trì và phát triển, tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ đầu tư phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chính quyền xã Phúc Sen đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách vay vốn, nhất là vốn tín dụng chính sách xã hội để đầu tư, mở rộng sản xuất. Còn gia đình chị Lục Thị Lệ, xóm Bản Mặc, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh là hộ gia đình sản xuất giỏi nhờ phát triển mô hình chăn nuôi bò. Chị Lệ chia sẻ, từ khi được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình chị đã đầu tư chuồng trại, mua thêm bò cái sinh sản, trồng cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Nhờ biết cách phòng trừ dịch bệnh, kết hợp chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, tiêm phòng đúng định kỳ nên đàn bò của gia đình chị phát triển tốt, hàng năm tăng đàn ổn định. Hiện nay, gia đình chị Lệ đã có 25 con bò; trong đó, có 4 con vỗ béo chuẩn bị bán ra thị trường. Trung bình hàng năm, gia đình chị Lệ thu từ chăn nuôi bò trên 150 triệu đồng. Bà Mạc Thị Huế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng cho biết, để thực hiện tốt vai trò của cấp hội ở cơ sở, Hội Phụ nữ xã Quang Hán đã tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về mục tiêu quan trọng của chính sách tín dụng xã hội đối với việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Hiện nay, xã Quang Hán có 568 hội viên phụ nữ; trong đó, có 139 hội viên vay vốn kênh Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ trên 5 tỷ đồng; có 3 gia đình hội viên vay mức tối đa 100 triệu đồng. Các hộ được vay sử dụng vốn để đầu tư phát triển cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm. Các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, một số gia đình hội viên trồng quýt đã cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Cán bộ ngân hàng đến thăm mô hình phát triển kinh tế từ việc trồng rừng dẻ được đầu tư từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Qua 5 năm triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội huy động toàn tỉnh Cao Bằng đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 920 tỷ đồng so với năm 2014; trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay đến hết ngày 30/6/2019 đạt 22,5 tỷ đồng, tăng 16,4 tỷ đồng so với năm 2014. Doanh số cho vay giai đoạn 2014 - 2019 đạt trên 3.300 tỷ đồng với khoảng 62.000 khách hàng, dư nợ bình quân đạt 41 triệu đồng/khách hàng. Tổng dư nợ 14 chương trình đạt 2.555 tỷ đồng, tăng 911 tỷ đồng so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11%/năm. Mới đây, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng đã triển khai cho vay mua nhà ở xã hội, cho vay trồng rừng; nâng mức vay tối đa và thời hạn cho vay đối với 3 đối tượng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng Vương Văn Minh cho biết, để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đồng thời, làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân trong việc bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, làm tốt việc tổ chức tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu…
Chu Hiệu