Gia đình ông Bạc Cầm Phiu ở bản Nà Dên, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng là một trong những hộ dân sử dụng hiệu quả vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Gia đình ông Bạc Cầm Phiu ở bản Nà Dên, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, Điện Biên vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay chính sách. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Khoảng 10 năm trở lại đây, từ nguồn vốn vay ưu đãi hàng năm, ông đã phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại gia đình ông có đàn trâu bò 6 con, hơn 6 ha cây cà phê, 1 ao cá, cùng nhiều diện tích cây ăn quả như cam, xoài, chuối, nhãn, mía và trồng xen kẻ hơn 3.000 cây dổi trong vườn cà phê rộng hơn 6ha. Nhờ nguồn vốn vay, gia đình ông thoát nghèo vươn lên làm giàu, hiện tổng thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt của gia đình ông trên 300 triệu đồng/năm. Tại xã Búng Lao, đoàn thanh niên là đơn vị được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Ảng ủy thác để tạo điều kiện cho các thành viên trong xã vay vốn. Hiện toàn xã có 9 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 400 thành viên tham gia vay vốn, tổng dự nợ hiện tại hơn 15 tỷ đồng. Các thành viên vay vốn chủ yếu phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Anh Lò Văn Ngương, Bí thư Đoàn xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, Điện Biên cho biết, từ khi có nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, người dân trong xã có tỷ lệ thoát nghèo rất cao do sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phát triển chăn nuôi và phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ. Nguồn vốn vay đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 39% năm 2017 xuống còn 28% năm 2018.
Nhiều gia đình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm từ nguồn vốn chính sách. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Theo ông Vùi Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng, (Điện Biên), bình quân hằng năm, ngân hàng cho vay mới trên 3.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với khoảng 80 tỷ đồng. Nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội đã thực sự góp phần chung với nhiệm vụ chính trị của địa phương trong việc giúp bà con có nội lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, (Điện Biên) chia sẻ, Mường Ảng là địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Điện Biên, hiện tại tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện là 41%. Trong những năm qua, huyện Mường Ảng đã được thụ hưởng nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo của Nhà nước. Đối với nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, qua tổng kết hàng năm và nắm bắt từ các hộ vay vốn, bà con đã thực sự phát huy hiệu quả nguồn vốn trong phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn vay đó đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và phát triển kinh tế một cách bền vững. Nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách đã góp phần cùng với các chương trình khác giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo tỷ lệ hộ nghèo hằng năm bình quân từ 5-6%.
Một số hộ ở Mường Ảng phát triển trồng rừng từ nguồn vốn vay chính sách. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Tính đến đầu tháng 10, tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên là 2.600 tỷ đồng. Doanh số cho vay năm 2017 là hơn 730 tỷ đồng, với gần 20.000 lượt khách hàng được vay vốn; trong đó chủ yếu tập trung vào đối tượng hộ nghèo với hơn 330 tỷ đồng, chiếm 45.5%; hộ cận nghèo hơn 70 tỷ đồng, chiếm 9,8%; hộ sản xuất vùng kinh doanh khó khăn hơn 200 tỷ đồng, chiếm 27,3%. Ngoài ra, đến đầu tháng 10 toàn tỉnh Điện Biên đã có hơn 13.000 lượt khách hàng vay vốn với số tiền hơn 500 tỷ đồng, trong đó, cho vay đối với hộ nghèo hơn 230 tỷ đồng…
Nhiều hộ ở Mường Ảng trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Nguồn vốn vay chính sách đã góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương rất tích cực. Việc phát huy hiệu quả từ chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp tỉnh Điện Biên giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 3-4%. Tín dụng chính sách đã hỗ trợ kịp thời cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được tiếp cận vốn và hỗ trợ sản xuất. Từ đó đời sống nhân dân được nâng lên, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững mà tỉnh Điện Biên đã đề ra.
Xuân Tư