Tìm mọi cách tháo gỡ, tăng tỷ lệ được tiếp cận, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Tìm mọi cách tháo gỡ, tăng tỷ lệ được tiếp cận, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 23/6, Việt Nam ghi nhận thêm 220 ca mắc mới, gồm 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh: tại Tây Ninh (2), Kiên Giang (1); 217 ca ghi nhận trong nước: tại Thành phố Hồ Chí Minh (152), Bình Dương (23), Bắc Giang (11), Nghệ An (7), Đà Nẵng (6), Long An (5), Hưng Yên (4), Bắc Ninh (4), Lào Cai (2), Kiên Giang (2), Bắc Kạn (1); trong đó 196 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Trong ngày 23/6, có 138 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Tính đến 18 giờ ngày 23/6, Việt Nam có tổng cộng 12.227 ca ghi nhận trong nước và 1.720 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 10.657 ca, trong đó có 2.910 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 11,580 tỷ đồng tương đương 500.000 USD từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Y tế để thực hiện đóng góp cho Cơ chế COVAX. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch. Bộ Y tế, Bộ Tài chính triển khai thực hiện theo quy định.

Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia được nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên. COVAX sẽ bảo đảm cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vaccine với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.

Chiều 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vaccine COVID-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, với kế hoạch vaccine về trong thời gian tới (tháng 7/2021 có thể có khoảng 8 triệu liều vaccine từ các nguồn về Việt Nam); dự kiến đến quý III/2021 sẽ tiêm được cơ bản cho các đối tượng ưu tiên, trong đó đủ số lượng vaccine để tiêm cho lực lượng sản xuất.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine tại 10 địa phương đang bị chậm, dưới 40% số lượng đã được phân bổ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong lúc khan hiếm vaccine hiện nay trong tháng 7, đầu tháng 8 khi vaccine về chưa nhiều, người dân rất quan tâm các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Vì vậy, Bộ Y tế phải đảm bảo thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Đối với lực lượng sản xuất, cần căn cứ vào địa bàn có nguy cơ, tránh tình trạng không công bằng giữa các đối tượng như Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý.

Tính đến nay, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 4 loại vaccine phòng COVID-19 bao gồm: Comirnaty của Pfizer, A2D1222 của AstraZeneca, Sputnik-V của Gamalaya, Vero-Cell của Sinopharm để phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Ngoài ra, vaccine Moderna cũng đang trong quá trình được xem xét phê duyệt. Cũng như thông lệ quốc tế, tất cả các loại vaccine phòng COVID-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải đảm bảo 3 yếu tố: an toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm