• Đa dạng làng nghề
TP Cần Thơ có hơn 10 làng nghề truyền thống với ngành nghề đa dạng: chằm nón, làm thúng, đan lọp, làm bánh tráng, dệt chiếu, cơm rượu, đóng ghe xuồng… Trong đó có 4 làng nghề được UBND thành phố công nhận: làng bánh tráng Thuận Hưng, làng lưới Thơm Rơm, làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ, làng bánh kẹo Ba Rích. Mỗi làng nghề có nét đặc trưng riêng để tạo thành những sản phẩm du lịch độc đáo.
Các chị gia công làm lưới ở làng lưới Thơm Rơm.
Mùa nước nổi là thời điểm hoạt động của làng lưới Thơm Rơm (nằm dọc quốc lộ 91, bên cầu Thơm Rơm) trở nên sôi nổi náo nhiệt. Làng lưới Thơm Rơm hình thành từ những năm 1980, do dân di cư từ miền Trung (chủ yếu là tỉnh Thừa Thiên Huế) vào Nam lập nghiệp. Đến xóm lưới, du khách không chỉ tận mắt chứng kiến các quy trình làm lưới mà còn được tìm hiểu về quá trình hình thành của làng nghề qua lời kể của các bậc cao niên. Đó là gia đình ông Khắc Quý- một trong những người có công mang nghề đan lưới về Thốt Nốt; ông Anh Dũng- người sáng chế ra chiếc máy dập chì để giúp dân làng nghề bớt vất vả… Hiện xóm lưới có gần 30 cơ sở sản xuất chính và hơn 300 cơ sở sản xuất gia công. Nơi đây không chỉ cung cấp lưới cho địa phương mà còn cho cả các tỉnh thành ĐBSCL, xuất sang Campuchia. Cũng theo con nước nổi, làng đan lọp Thới Long (Ô Môn) nhộn nhịp không kém. Làng nghề này hiện có trên 200 hộ dân làm nghề đan lọp tép. Đến đây, du khách có thể cùng trải nghiệm những công đoạn làm lọp: đập vành, chẻ nan, bện hom, dệt khung…
Trái với làng nghề theo thời vụ, các làng nghề ẩm thực hoạt động thường xuyên. Làng bánh tráng Thuận Hưng cuốn hút du khách bởi những liếp bánh phơi thẳng tắp. Những chiếc bánh trắng mịn, mỏng tang, tròn đều được làm bởi những người thợ khéo tay. Bánh tráng Thuận Hưng nổi tiếng vì cách chế biến tinh tế được truyền qua bao thế hệ. Người thợ phải tỉ mỉ, chịu khó và khéo léo mới làm nên những chiếc bánh dẻo, đều tay và ngon. Bánh tráng Thuận Hưng có nhiều loại: bánh tráng trắng, bánh tráng dẻo, bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa (pha thêm nước cốt dừa, mè)... Theo những bậc lão niên ở địa phương, các lò bánh tráng đã ra đời gần 2 thế kỷ nay. Lúc đầu chỉ có vài hộ, sau đó tăng dần lên và phát triển mạnh kể từ năm 2000. Hiện làng bánh tráng Thuận Hưng có khoảng 70 hộ hoạt động thường xuyên, 35 hộ sản xuất theo thời vụ trong dịp Tết Nguyên đán. Đến đây, du khách có thể tham gia xay bột, tráng bánh, phơi bánh. Hay ngược về Ô Môn, du khách có thể đến tham quan làng bánh kẹo Ba Rích (khu vực Thới Hòa, phường Thới An). Đây là làng nghề truyền thống có từ hơn 60 năm trước, do một số người Hoa đến sinh sống và thành lập. Làng nghề này nổi tiếng với nhiều loại bánh kẹo: bánh xốp kem, bánh bơ, bánh kẹp, bánh mè, bánh gai…Hiện nay, làng bánh kẹo Ba Rích còn khoảng 50 cơ sở lớn với trên 1.000 lao động.
Làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ (Bình Thủy) có trên 240 hộ trồng hoa với diện tích 46 ha, nổi tiếng hơn trăm năm nay với nhiều giống hoa đẹp: cúc vạn thọ, cúc mâm xôi, lan, dạ yến thảo, đồng tiền, hồng… Đặc biệt, nếu đến đây đúng dịp rằm, Tết Nguyên đán, những luống hoa thi nhau khoe sắc, thơm ngát. Ông Nguyễn Văn Dành, thường gọi Ba Dành (khu vực Bình An, phường Long Hòa), trồng hoa lâu năm, cho biết: "Gia đình tôi đã ba đời theo nghề trồng hoa. Năm nào chúng tôi cũng bổ sung thêm chủng loại mới làm phong phú làng hoa, phục vụ bà con". Còn vườn hoa của ông Huỳnh Thanh Cần (khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền) lại mang hương sắc của vườn hoa Đà Lạt. Bà Lê Thị Bé Bảy, Phó Phòng Văn hóa- Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: "Hiện chúng tôi đang tích cực khảo sát các làng nghề, đặc biệt là tuyến đường sông ở rạch Phó Thọ, Lòng Ống- nơi có nhiều hộ gia đình làm nghề truyền thống: bánh dẻo, trồng rau. Đây sẽ là sản phẩm du lịch mới mà quận đang xây dựng, nằm trong định hướng phát triển vườn cây ăn trái, du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử văn hóa, làng nghề".
Các làng nghề ở Cần Thơ không chỉ là nét văn hóa đặc trưng của thủ phủ Tây đô mà còn là những điểm tham quan thú vị với nhiều du khách.
• Hướng đi cho du lịch làng nghề
Rõ ràng, tiềm năng phát triển du lịch làng nghề của Cần Thơ là rất lớn. Ngành du lịch cũng nhận thấy tiềm năng này nhưng việc khai thác còn hạn chế- ngành thì vẫn loay hoay tìm cách phát triển du lịch làng nghề, còn dân làng nghề lại làm du lịch theo kiểu tự phát, du khách thì thường tự tìm đến làng nghề là chính chứ ít đi theo tour. Bên cạnh đó, không ít làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một.
Sản xuất bánh tráng Thuận Hưng.
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ (VH,TT & DL), cho biết: "Làng nghề là tiềm năng của du lịch Cần Thơ, nhưng đến nay vẫn chưa gắn với du lịch. Với định hướng xây dựng các tour đường sông dọc theo tuyến Ninh Kiều- Bình Thủy- Ô Môn- Thốt Nốt, chúng tôi đang tích cực kết nối với các làng nghề". Tuy nhiên, việc gìn giữ và phát triển làng nghề gắn với dịch vụ du lịch không hề dễ. Ông Thi Xương Tín, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ, cho biết: "Trước đây, công ty có khai thác tuyến cù lao Tân Lộc kết hợp với một số làng nghề Thốt Nốt: bánh tráng Thuận Hưng, xóm lưới Thơm Rơm, làng nghề đan lọp Dì Tho và một số làng nghề nung lò đất. Nhưng do điều kiện giao thông không thuận lợi nên hiệu quả không cao. Gần đây, công ty có tiến hành khảo sát lại các điểm này. Kết quả là phần lớn các làng nghề đang bị thu hẹp về quy mô. Hiện tuyến được khai thác tốt là chợ nổi Cái Răng kết hợp thăm các cơ sở chế biến thủ công hoặc làng nghề. Về lâu dài, đứng ở góc độ lữ hành, tôi cho rằng việc khôi phục lại một số làng nghề truyền thống mang đậm tính văn hóa và bản sắc của người Cần Thơ và ĐBSCL là cần thiết và nên làm ngay. Chẳng hạn, khôi phục các lò nấu chao, lò nấu tương hột, lò nấu nước mắm... ở Cái Răng, Bình Thủy để kết hợp với tuyến chợ nổi Cái Răng, vừa tạo thuận lợi và liên tuyến khi khai thác, vừa có thể duy trì các làng nghề. Từ đó tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương".
Dưới góc nhìn của những người làm du lịch, làng nghề muốn gắn với du lịch để phát triển, phải có sự bắt tay với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng sản phẩm và đưa khách đến. Hiện nay, xu hướng du lịch sáng tạo đang hấp dẫn, và nhu cầu của du khách khi đến làng nghề không chỉ dừng lại ở ngắm nhìn, mua sắm mà còn muốn được tham gia, học kỹ năng làm nghề để có thể tự tay tạo ra sản phẩm. Để thu hút khách, các làng nghề phải giữ được nghệ nhân, giữ lại những kiến trúc cổ, sưu tầm sản phẩm nổi tiếng, có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề... Trong làng phải có người am hiểu nghề, rành phong tục và văn hóa làng để giới thiệu với du khách. Hơn nữa, trong việc phát triển gắn với du lịch, các làng nghề nên có hai khu vực, một khu trưng bày sản xuất các mặt hàng, một khu showroom để khách trải nghiệm kỹ thuật nghề, xem các nghệ nhân trình diễn.
Ngoài ra cũng cần có sự liên kết giữa các làng nghề để khai thác triệt để tiềm năng. Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch để hình thành một đội ngũ làm du lịch tại chỗ theo hai hướng: hình thành đội ngũ quản lý và điều hành hoạt động du lịch tại làng nghề; huy động cộng đồng dân cư tại làng nghề tham gia vào quá trình hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên vinh danh những nghệ nhân và khuyến khích những nghệ nhân này trực tiếp hướng dẫn khách du lịch tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm. Đặc biệt, cần chú trọng quảng bá du lịch làng nghề để đưa hình ảnh làng nghề đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Làng nghề là bản sắc văn hóa khó lầm lẫn nên việc gìn giữ và phát triển nó cần được quan tâm đúng mức. Hy vọng ngành du lịch thành phố sẽ có những giải pháp cụ thể, thiết thực để làng nghề được vực dậy, phát triển bền vững.