Tìm hiểu cơ chế gây bệnh tim bẩm sinh do phơi nhiễm cadmium

Tìm hiểu cơ chế gây bệnh tim bẩm sinh do phơi nhiễm cadmium

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển một mô hình 3 chiều (3D) lý giải việc phơi nhiễm cadmium có thể dẫn đến bệnh tim bẩm sinh như thế nào. Nghiên cứu do Viện Khoa học sức khỏe môi trường quốc gia Hoa Kỳ (NIEHS) thực hiện và công bố ngày 2/11.

Cadmium là kim loại có thể thải ra môi trường qua hoạt động khai thác mỏ và các quy trình công nghiệp khác nhau. Kim loại này đã được tìm thấy trong không khí, đất, nước và thuốc lá. Đáng quan ngại là cadmium có thể xâm nhập chuỗi thức ăn khi thực vật hấp thụ chất này từ đất.

Sử dụng các mô hình từ tế bào và mô của con người trong ống nghiệm (In vitro), các nhà nghiên cứu tại NIEHS đã thiết kế một mô hình nuôi cấy cơ quan thu nhỏ trong không gian 3 chiều mô phỏng cách thức phát triển của tim người. Các nhà nghiên cứu theo dõi cách thức phơi nhiễm cadmium mức độ thấp có thể ngăn chặn sự hình thành thông thường của tế bào cơ tim - loại tế bào chính hình thành tim. Với cách làm này, các nhà nghiên cứu phát hiện cơ chế sinh học có thể giải thích cách cadmium có thể gây ra các bất thường về tim.

Ông Erik Tokar, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các mô hình mà nghiên cứu này tạo ra không chỉ hữu ích cho việc nghiên cứu về cadmium mà còn có thể mở rộng nghiên cứu các hóa chất và chất khác.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives, được thực hiện dựa trên nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua của các nhà khoa học về chất độc nhằm nâng cao hiểu biết về nguy cơ phơi nhiễm các chất độc hại trong môi trường có thể góp phần gây ra các bệnh ở người bao gồm ung thư, bệnh tim mạch, tự kỷ và các bệnh khác.

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, bệnh tim bẩm sinh là loại dị tật bẩm sinh phổ biến nhất ở nước này, ảnh hưởng đến gần 40.000 trẻ sơ sinh mỗi năm.

Lan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm