Chiếc kẻng bằng vỏ quả bom được treo tại trụ sở UBND xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) là biểu trưng sinh động, đanh thép cho chiến thắng của quân và dân nơi đây trong cuộc đối đầu với kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Đây cũng là kỷ vật còn lại sau chiến tranh, là chứng tích tiêu biểu, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đang được chính quyền và nhân dân xã Thượng Bằng La giữ gìn. Từ đó, nhắn gửi tới thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, giá trị của hòa bình, độc lập, tự do.
Trong chiến tranh, thực dân Pháp đã ném hàng trăm, hàng ngàn tấn bom đạn trên cả dải đất hình chữ S. Con đèo Lũng Lô huyền thoại (huyện Văn Chấn) được biết đến là nơi “anh hò chị hát” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; là tuyến đường huyết mạch tải đạn, đưa quân lên Tây Bắc đánh giặc. Nơi đây đã hứng chịu mưa bom bão đạn, trong đó còn lại những quả bom vì nguyên nhân nào đó bị “điếc”, hoặc chưa kịp nổ. Những quả bom ấy đã được dân quân tháo ngòi nổ khiêng về để làm minh chứng cho tội ác của kẻ địch. Sau này, chúng được sử dụng cho những việc có ích trong cộng đồng.
Điển hình là câu chuyện về chiếc kẻng an ninh được làm từ vỏ bom được treo ở trụ sở xã Thượng Bằng La. Giờ đây, với mỗi người dân trong xã đó không chỉ là một chứng tích của chiến tranh mà còn là thông điệp về hòa bình. Ẩn chứa sau kỷ vật này là cả một câu chuyện hào hùng và kiêu hãnh của người dân xã miền núi anh hùng.
Xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn nằm ở chân đèo Lũng Lô, điểm huyết mạch trong tuyến đường 13A nối từ chiến khu Việt Bắc qua Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì vậy, đây là trọng điểm bắn phá của thực dân Pháp. Theo thống kê, trong giai đoạn Quân đội ta thực hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã thả xuống khu vực đèo Lũng Lô và xã Thượng Bằng La khoảng 2.000 quả bom. Có những ngày, kẻ thù thả xuống mảnh đất này tới 200 quả bom. Bởi một lý do nào đó, một quả bom đã không nổ. Ông Hoàng Đình Mưu, Chủ tịch xã UBND xã Thượng Bằng La cho biết, trên quả bom này bị méo một bên phía đầu. Nghe các cụ kể, khi quả bom này rơi xuống thì không rơi thẳng nên không nổ. Sau đó, dân quân tháo kíp mang về, lúc đầu để ở trường học gần sân vận động, sử dụng làm kẻng đánh cho học sinh vào lớp; sau này đưa xuống trụ sở Ủy ban nhân dân xã.
Thập kỷ 70, 80, vỏ quả bom được sử dụng làm kẻng báo an ninh, cứ đến 22 - 22 giờ 30 phút hằng ngày sẽ có người đánh kẻng thông báo giờ giới nghiêm. Mọi người đi lại phải có đèn để đảm bảo an ninh trật tự. Cả xã Thượng Bằng La lúc đó chỉ có vài trăm hộ, dân cư thưa thớt. Vì vậy, mỗi khi nghe tiếng kẻng theo hiệu lệnh (quy ước bằng số hồi, số tiếng), mọi người đều biết trong làng, xã có việc gì để đến giúp đỡ nhau - ông Hoàng Đình Mưu kể lại.
Ông Hà Văn Hồ, nguyên Trưởng Đoàn dân công hỏa tuyến xã Thượng Bằng La chia sẻ, quả bom có chiều cao hơn 1 m, đường kính khoảng 60 cm. Trải qua những thăng trầm, vỏ quả bom này luôn được người dân địa phương giữ gìn và được treo ở vị trí trang trọng tại trụ sở UBND xã.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, người dân Thượng Bằng La lại sử dụng tiếng kẻng với những vai trò riêng. Cụ thể, trong chiến tranh, tiếng kẻng từ vỏ bom vang lên, thông báo cho người dân về hoạt động của máy bay địch để khẩn trương sơ tán vào nơi ẩn nấp an toàn. Khi đất nước hòa bình, mỗi thời kỳ khác nhau, vỏ bom lại được phát huy trong đảm bảo an ninh trật tự của địa phương. Người dân cứ nghe tiếng kẻng ấy, kể cả ở nhà hay trên núi, trên nương đều biết địa phương có sự việc, sự kiện gì - ông Hà Văn Hồ chia sẻ.
Từ năm 2018, Thượng Bằng La là xã đầu tiên của huyện Văn Chấn xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an ninh” và hiệu quả của vỏ quả bom trên càng được phát huy. Cứ 23 giờ, tiếng kẻng lại vang lên báo hiệu giờ giới nghiêm, người dân sẽ dừng các hoạt động vui chơi giải trí và lực lượng chức năng đi tuần tra, nhắc nhở những người không chấp hành. Từ đó, bà con nâng cao ý thức trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cứ thế, “tiếng kẻng an ninh” trở nên gắn bó, thân thuộc, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Ông Hà Ngọc Linh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thượng Bằng La cho biết: Sau khi thực hiện mô hình "Tiếng kẻng an ninh" và "Bóng điện an ninh", nhận thức của nhân dân thay đổi nhiều. Mọi hoạt động của người dân đều được thực hiện quy củ, không gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và đời sống, nhất là vào ban đêm.
Mô hình "Tiếng kẻng an ninh" đã góp phần xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023 của xã; địa phương đã đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”. Song song với mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, xã Thượng Bằng La còn duy trì hiệu quả hoạt động của 15 Tổ an ninh nhân dân; 15 Tổ hòa giải; 15 Đội phòng cháy, chữa cháy, dân phòng; 8 mô hình phòng, chống tội phạm. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự địa phương được bảo đảm, giữ vững. Tổng số vụ việc liên quan đến trật tự xã hội năm 2023 giảm 20 vụ, 47 đối tượng so với năm 2022.
Tiếng kẻng từ hiện vật chiến tranh để lại đã góp phần giữ gìn sự bình yên tại xã vùng cao Thượng Bằng La. Đây cũng là minh chứng cho ý chí chiến đấu và quyết tâm chiến thắng của quân, dân ta.
Tuấn Anh