Tiền Giang: Hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Tiền Giang: Hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo vượt khó phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Ngay từ đầu năm, Hội Phụ nữ các cấp đều lập sổ sách theo dõi, quản lý phụ nữ nghèo trong diện phải trợ giúp. Trên cơ sở đó, Hội Phụ nữ các cấp đưa ra những biện pháp trợ giúp thích hợp tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể và nhu cầu thực tế của chị em; kết hợp giữa trợ vốn với phát triển ngành nghề nông thôn, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo thêm việc làm cho chị em nghèo khu vực nông thôn.

Theo đó, hiện nay, 100% Hội Phụ nữ huyện, thành, thị và các cơ sở Hội đều có sổ sách theo dõi, quản lý phụ nữ nghèo, hộ cận nghèo. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn duy trì các tổ “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo”. Các tổ sinh hoạt định kỳ đều đặn hàng tháng với nhiều nội dung thiết thực, đáp ứng nhu cầu chị em như, chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt, tương trợ, giúp nhau về ngày công, cây con giống, cho mượn vốn phát triển kinh tế gia đình.

Đặc biệt, Hội Phụ nữ các cấp duy trì mạng lưới các tổ liên kết sản xuất kinh doanh theo ngành nghề như đan đát, làm túi xách, làm bánh, may công nghiệp, làm hàng thủ công xuất khẩu…thu hút hàng ngàn lao động với thu nhập bình quân từ 50.000 đến 200.000 đồng/người/ ngày tùy theo loại hình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đặc biệt chú trọng công tác trợ vốn khởi nghiệp. Trên cơ sở phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội- Chi nhánh tỉnh Tiền Giang, trong nửa đầu năm 2021, hơn 2.700 hội viên được hỗ trợ trên 80,2 tỷ đồng vốn vay ưu đãi. Nâng tổng dư nợ từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội- Chi nhánh tỉnh Tiền Giang trong hội viên phụ nữ từ năm 2020 đến nay lên hơn 1.000 tỷ đồng, với trên 35.700 lượt hội viên được vay vốn.

Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) trong hơn 6 tháng qua đã giải ngân cho trên 11.000 lượt hội viên có nhu cầu, với tổng số vốn hơn 187 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến nay trên 368 tỷ đồng, với gần 43.000 lượt hội viên được hưởng lợi.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, nhờ hai nguồn vốn trên, hội viên phụ nữ nghèo có nhu cầu có thêm kênh trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả để giảm nghèo nông thôn. Ngoài ra, nhằm giúp hội viên giảm nghèo bền vững, vươn lên tạo dựng cơ nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tạo việc làm cho chị em có nhu cầu.

Trong nửa đầu năm 2021, Hội đã kết hợp Trung tâm Giới thiệu việc làm cùng các ngành hữu quan tổ chức tuyên truyền lồng ghép kiến thức về việc làm, khoa học nông nghiệp, ngành nghề…cho gần 4.000 lượt hội viên.

Trên cơ sở phối hợp cùng Hội Nông dân, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tổ chức hàng trăm lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch hại trên cây trồng và vật nuôi, thu hút trên 2.200 lượt chị em, tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho khoảng 300 lao động nữ.

Các cấp Hội Phụ nữ thông qua các biện pháp tích cực, phù hợp, phấn đấu trong năm 2021 giúp 10.480 hội viên khó khăn được công nhận thoát nghèo, gần 3.800 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được công nhận thoát nghèo.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm