Tiêm vaccine triệt để, phòng chống dịch bệnh cho động vật nuôi

Trước tình hình dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò tiếp tục có chiều hướng lây lan diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị vừa yêu cầu các đơn vị và địa phương rà soát giám sát đàn trâu, bò phát hiện sớm dịch bệnh; triển khai tiêm phòng vaccine phòng bệnh lở mồm long móng triệt để, đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn cho đàn trâu, bò; đặc biệt tiêm phòng triệt để tại các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao.

vna_potal_can_tho_phat_dong_tiem_phong_benh_dai_cho_cho_meo_7312357 (1).jpg
Tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Ngoài ra các huyện cần phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho các xã, phường, thị trấn về việc giám sát dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, tổ chức tuyên truyền; đồng thời huy động các tổ chức đoàn thể và các ngành chức năng liên quan để chủ động giám sát, kịp thời phát hiện dịch tại địa phương. Đến ngày 6/9 dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 5 xã, thị trấn của huyện Hướng Hóa; 1 xã của huyện Đakrông, 2 xã của huyện Vĩnh Linh, 1 xã của huyện Cam Lộ với tổng số trâu, bò mắc bệnh trên 500 con. Dịch bệnh này khởi phát ở Quảng Trị từ cuối tháng 7/2024, đến nay vẫn có chiều hướng lây lan diện rộng.

Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do người dân nhận con giống hỗ trợ chưa chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như nhốt chung bò mới nhập với bò của gia đình; chăn thả trâu, bò bệnh với trâu bò chưa mắc bệnh... Đây là yếu tố khiến bệnh lây lan sang cho trâu, bò tại các địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 27.000 liều vaccine phòng bệnh lở mồm long móng và 3.500 lít hóa chất tiêu độc khử trùng. Tỉnh đã phân bổ số vaccine này đến các địa phương có dịch lở mồm long móng, khẩn trương triển khai việc tiêm phòng, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng chống dịch bệnh. Trước mắt, tỉnh tập trung ưu tiên tiêm phòng gia súc tại các địa phương có dịch bảo đảm kết thúc trước ngày 10/9 tới; các địa phương khác hoàn thành tiêm vaccine trước ngày 15/9.

UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các sở, ban ngành và các địa phương khẩn trương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, khống chế dịch lở mồm long móng trên trâu bò; coi việc phòng chống, khống chế dịch lở mồm long móng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này; tập trung nguồn lực để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan; khẩn trương tiêm vaccine bao vây ổ dịch; tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu bò và siết chặt quản lý giết mổ đối với các loại động vật cảm nhiễm với lở mồm long móng (lợn, dê) tại các xã trong vùng dịch; đồng thời tạm thời ngừng xuất nhập, nuôi mới gia súc mẫn cảm với lở mồm long móng (trâu, bò, dê, lợn) cho đến khi có ý kiến của cơ quan chuyên môn.

Lào Cai: Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay có 3 trường hợp động vật mặc bệnh dại, đặc biệt có 1 người tử vong do bệnh dại. Tính đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh đã có 1.934 người phải đến cơ sở y tế điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023 (1.199 người). Trước nguy cơ bệnh dại gia tăng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương siết chặt quản lý đàn chó và đẩy mạnh tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại động vật.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn chó của Lào Cai tương đối lớn, khoảng 104.000 con. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho chó mới đạt khoảng 70% tổng đàn và không đồng đều giữa các khu vực (nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa mới đạt khoảng 40 - 50%), chưa đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi đó, việc quản lý, xử lý chó thả rông, chó không tiêm phòng chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; hiện tượng chó thả rông, không đeo rọ mõm, chó nuôi chưa được kê khai theo quy định của Luật Chăn nuôi còn phổ biến.

Để chủ động thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật, quản lý đàn chó, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại nhằm giảm thiểu nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, số người tử vong do bệnh dại, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường vừa có chỉ đạo khẩn, yêu cầu các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi (nuôi 01 con chó, mèo cũng phải kê khai chăn nuôi); xây dựng quy chế nuôi và quản lý đàn chó; lập sổ theo dõi và cập nhật thông tin, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, số chó nuôi. Các địa phương tổ chức rà soát, tiêm phòng đảm bảo đạt tỷ lệ 100% tổng số chó trong diện tiêm phải tiêm phòng vaccine dại và hoàn thành báo cáo kết quả thống kê, tiêm phòng trước ngày 31/10/2024.

Các địa phương thành lập Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc phòng, chống bệnh dại, nhất là tiêm phòng vaccine và quản lý đàn chó nuôi; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền cơ sở còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bệnh fại, đặc biệt là địa bàn có tỷ lệ tiêm phòng fại cho đàn chó đạt thấp, để bệnh fại xảy ra trên người.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ vaccine, hóa chất đáp ứng nhu cầu phòng chống bệnh dại động vật; quản lý việc cấp phát, sử dụng vaccine, hoá chất đảm bảo đúng đối tượng, địa bàn; phối hợp với cơ quan y tế dự phòng tăng cường giám sát bệnh dại; tổ chức kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Nguyên Lý - Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm