Tiềm năng phát triển nông sản Hậu Giang

Tiềm năng phát triển nông sản Hậu Giang
Khóm Cầu Đúc Hậu Giang luôn có tiềm năng và lợi thế phát triển.
Khóm Cầu Đúc Hậu Giang luôn có tiềm năng và lợi thế phát triển.

Theo ông Lưu Đức Thành, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế - Cục Sở hữu trí tuệ, hiện trong bối cảnh Việt Nam đã và đang ký kết các Hiệp định Thương mại tự do như: Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã nâng cao sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt không chỉ tại các thị trường xuất khẩu mà còn ngay cả ở thị trường nội địa. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển và nâng cao giá trị cho các đặc sản nông, lâm, thủy sản và sản phẩm làng nghề ở địa phương là điều cần thiết. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng thành công các thương hiệu đặc sản nổi bật như: gạo, cà phê, chè, hồ tiêu, ca cao, hạt điều, thủy sản… Đồng thời, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khá cao.

Theo đó, tùy vào đặc điểm thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu ở từng địa phương mà có những đặc sản chủ lực riêng biệt, trong đó Hậu Giang là tỉnh đồng bằng đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng phát triển cả nông nghiệp lẫn thủy sản. Với những điều kiện thuận lợi trên, Hậu Giang đã có khoảng 10 nông sản chủ lực nổi tiếng có sức cạnh tranh cao trên thị trường và được cấp chứng nhận bảo hộ là khóm Cầu Đúc Hậu Giang, cá thát lát Hậu Giang, bưởi Phú Hữu Hậu Giang, quýt đường Long Trị, chanh không hạt Hậu Giang, cam xoàn Phụng Hiệp, lúa Hậu Giang 2…

Ông Trần Bá Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho rằng, trên thực tế sau khi được cấp chứng nhận bảo hộ thì một số nông sản chưa phát huy hết tiềm năng, chủ yếu gắn liền với công tác thương mại sản phẩm qua các hoạt động hội chợ trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, cũng có một số hợp tác xã (HTX) phát huy rất tốt, đem sản phẩm kinh doanh thu về lợi nhuận cao như: chanh không hạt, cá thát lát Hậu Giang.

Trước những tín hiệu vui trên, Hậu Giang có nhiều khả năng và lợi thế để vực dậy nền kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà, đặc biệt là thời gian gần đây, người dân ở các địa phương trong tỉnh đang ra sức liên kết với doanh nghiệp để phát triển thương hiệu một số loại trái cây đặc sản như: mãng cầu gai, xoài Đài Loan (HTX Nông nghiệp Khánh Hội), ở xã Phú An, huyện Châu Thành; giống lúa RVT (HTX Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh), ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.

Ông Nguyễn Trung Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Khánh Hội, ở xã Phú An, huyện Châu Thành, thông tin: Nhu cầu HTX xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là điều cần thiết. Hiện diện tích trồng cây mãng cầu gai và xoài Đài Loan ở địa phương tăng lên cả trăm héc-ta. Tới đây, đơn vị sẽ đăng ký tham gia bảo hộ cho sản phẩm này, vì thông qua việc bảo hộ nhãn hiệu, nông sản địa phương sẽ có thế đứng vững chắc trên thị trường. Vì thế, trước mắt các thành viên trong HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất sạch, một mặt vừa tạo uy tín với các đối tác, vừa lập kế hoạch phát triển ổn định lâu dài.

Còn ông Trần Văn Huynh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho biết: Ở đây, người dân rất tâm đắc với việc làm ruộng, đặc biệt là vài năm trở lại đây toàn làm giống chất lượng cao, trong đó có giống lúa RVT. Tuy nhiên, HTX chỉ liên kết với các công ty, doanh nghiệp và bao tiêu giá cả chứ chưa thành lập được vùng sản xuất nguyên liệu ổn định. Đồng thời, cũng chưa tạo được thương hiệu riêng khi địa phương có hơn 150ha đất sản xuất. “Qua buổi hội thảo về việc bảo hộ và phát triển nhãn hiệu nông sản sẽ là thời cơ cho HTX vực dậy phát triển ổn định sau này”, ông Huynh cho biết thêm.

Thạc sĩ Nguyễn Tường Huy, giảng viên Khoa Thương mại - Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá: Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là bước đầu tạo ra thương hiệu riêng biệt cho nông sản địa phương. Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu này là phải tìm ra nhiều giải pháp cụ thể như xây dựng chính sách - pháp lý, quy hoạch đầu tư, thay đổi dần phương thức sản xuất sang đầu tư thành “chuỗi” liên kết với các doanh nghiệp, công ty để tìm đầu ra ổn định. Đồng thời, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào trong canh tác, chế biến theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP. Điều quan trọng là quảng bá sản phẩm toàn diện, nhằm tìm hiểu nhu cầu thị trường cũng như tâm lý khách hàng rồi định giá sản phẩm. Bởi thương hiệu sản phẩm là sự tổng hợp tất cả yếu tố vật chất, thẩm mỹ, biểu tượng, hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Trần Bá Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, khẳng định: Từ việc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ tạo điều kiện, đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương trong tỉnh đăng ký bảo hộ nông sản có tiềm năng phát triển. Đồng thời, còn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, các tập thể, cá nhân. Bên cạnh đó, trong năm 2017, đơn vị sẽ đề xuất về Trung ương thực hiện 2 dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn “Khóm Cầu Đúc” tỉnh Hậu Giang; quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cam xoàn Phụng Hiệp” để duy trì, phát triển hiệu quả đặc sản của địa phương và tiến xa hơn là xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Theo baohaugiang.com.vn

Có thể bạn quan tâm