Thúc tiến độ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Dự án bờ kè chống sạt lở khu vực trước trụ sở UBND xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được giải ngân từ vốn đầu tư công đang được gấp rút thi công hoàn thiện trước mùa mưa lũ. Ảnh: Lâm Nguyên - TTXVN
Dự án bờ kè chống sạt lở khu vực trước trụ sở UBND xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được giải ngân từ vốn đầu tư công đang được gấp rút thi công hoàn thiện trước mùa mưa lũ. Ảnh: Lâm Nguyên - TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp. Theo Bộ này, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển hơn 39 nghìn tỷ đồng cho 19 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung và vùng Tây Nguyên để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 chương trình trên toàn quốc.

Trong năm 2023, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ là hơn 17.820 tỷ đồng. Có 17/19 địa phương trong vùng đã bố trí ngân sách địa phương hơn 6.246 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân của 19 địa phương từ đầu năm đến nay là hơn 2.055 tỷ đồng, đạt 21,67% thấp hơn 6,53% so trung bình cả nước. Lũy kế thanh toán vốn kéo dài các năm trước chuyển sang là 1.917,560 tỷ đồng, đạt 41%, ngang bằng với trung bình giải ngân vốn kéo dài của cả nước.

Theo đánh giá, các địa phương trong vùng đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc; kết quả giải ngân vốn chưa cao. Việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế; một số chỉ tiêu giao chưa phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương.

Các chương trình được phê duyệt và quy định tỷ lệ vốn đối ứng sau thời điểm quyết định kế hoạch vốn trung hạn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 của địa phương. Do đó, việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện các chương trình theo tỷ lệ quy định khó bảo đảm.

Để thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo về chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành rà soát, phân loại và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo để có cơ sở chỉ đạo các bộ, ngành liên quan.

Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương yêu cầu các địa phương trong vùng quan tâm hơn nữa đến công tác giải ngân vốn đầu tư công chương trình mục tiêu quốc gia; chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024; trong đó, có đánh giá và dự kiến công tác giải ngân của năm 2023.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư này đề xuất Chính phủ giao các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền các nội dung hướng dẫn chưa phù hợp. Đồng thời, tích cực rà soát, chủ động trao đổi với các cơ quan liên quan để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn đã ban hành còn quy định chưa thống nhất, nhằm tạo sự đồng bộ, thông suốt giữa các quy định do trung ương ban hành.

Mặt khác, Bộ này đề xuất Chính phủ giao các cơ quan chủ chương trình: chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ dự án thành phần và cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình; tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương kết quả xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương định kỳ hằng tháng.

Ngoài ra, giao UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên chủ động nghiên cứu các quy định, văn bản hướng dẫn mới ban hành để triển khai thực hiện ngay; kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý điều hành ở địa phương theo thẩm quyền bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn và điều kiện đặc thù của từng vùng miền.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý các địa phương một số nội dung về cơ chế thực hiện lồng ghép nguồn vốn ở địa phương; cơ chế thông báo dự kiến mức vốn sự nghiệp trung hạn cho các địa phương; quy định chi tiết quy trình, thủ tục hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các hộ gia đình để có đất ở, nhà ở theo tiêu chuẩn mà không cần lập dự án đầu tư; quy định chi tiết quy trình, thủ tục, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng, phát triển sản xuất theo nhiệm vụ; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp quản lý đầu tư cho các cấp cơ sở (huyện, xã) trong việc quyết định danh mục dự án và triển khai các thủ tục đầu tư.

“Các địa phương cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt khó khăn thực tế tại địa phương, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Thúy Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm