Gần 10 năm sau khi Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh, Quan họ Bắc Ninh không chỉ được gìn giữ, bảo tồn mà ngày càng phát triển, lan tỏa và trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng của người dân vùng Kinh Bắc.
Hát Dân ca quan họ trên thuyền tại Công viên Nguyên Phi Ỷ Lan, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN |
Qua 8 lần diễn xướng, “Canh hát quan họ đêm rằm” do Trung tâm Văn hóa thể thao thành phố Bắc Ninh tổ chức đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với công chúng. Chương trình đã tạo sự lan tỏa rộng khắp, hình thành nên sân chơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng để các câu lạc bộ, các liền anh, liền chị và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn giao lưu, học hỏi, trau dồi kiến thức và vun đắp tình yêu đối với loại hình di sản độc đáo riêng có này. Trong không gian sinh hoạt mang đậm nét văn hóa Bắc Ninh, những làn điệu Quan họ cổ vang lên, tạo nhịp cầu nối gắn kết mối quan hệ mật thiết, bền chặt giữa các làng Quan họ và cả những ai yêu mến nét văn hóa truyền thống của vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc.
Nghệ nhân Quan họ Nguyễn Thị Kim Quýnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá, thành phố Bắc Ninh cho biết, "Canh hát quan họ đêm rằm" là nơi hội tụ các liền anh, liền chị yêu ca hát Quan họ, khao khát được hát nhằm quảng bá Dân ca quan họ phát triển rộng hơn nữa trong cộng đồng ở trong và ngoài tỉnh. Bà Phạm Minh Tuyết ở phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh, một người yêu làn điệu Quan họ và thường xuyên đến xem các nghệ nhân biểu diễn Dân ca quan họ chia sẻ, bản thân là người con quê hương Bắc Ninh, bà rất tự hào về nét đẹp văn hóa của người quan họ, mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ các nghệ nhân quan họ về vật chất và tinh thần để quan họ là làn điệu dân ca được duy trì và tiếp nối cho các thế hệ mai sau.
Ngoài chú trọng tuyên truyền, quảng bá, duy trì sinh hoạt thường xuyên các câu lạc bộ Quan họ, tỉnh Bắc Ninh quan tâm đầu tư tu bổ, xây dựng thiết chế văn hóa, trong đó công trình trọng điểm là Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh. Công trình có tổng kinh phí đầu tư 90 tỷ đồng; diện tích 1,9ha; qui mô 4 tầng; sức chứa gần 400 khán giả. Với thiết kế kiến trúc độc đáo cách điệu theo hình tượng mái đình, thuyền rồng, dải lụa đào và nón quai thao, mang đậm nét văn hóa vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc, công trình khi hoàn thành không chỉ là nơi gìn giữ và bảo tồn dân ca Quan họ, là điểm hẹn du lịch hấp dẫn cho du khách mà còn tạo động lực, điều kiện tốt nhất cho mỗi nghệ sĩ trong tỉnh không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật.
Ông Lê Mạnh Thắng, Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh cho biết: Trước đây khi cơ sở vật chất chưa được như hiện nay, nhiều nghệ sỹ đã cố gắng hết mình trong việc nỗ lực học tập, tuyên truyền, quảng bá Dân ca quan họ đến với cộng đồng. Hiện nay, trong điều kiện được tỉnh quan tâm, được các cấp, ngành hỗ trợ, các nghệ sỹ thêm tâm huyết và động lực trong việc tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn cũng như dàn dựng các chương trình tiết mục mới để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tới đông đảo du khách gần xa.
Thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca quan họ, trong suốt thập kỷ qua, tỉnh Bắc Ninh đã phát động các cấp, ngành và cộng đồng nhân dân các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm bảo tồn Dân ca quan họ. Trọng tâm là việc thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Dân ca quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013-2020”. Đặc biệt, Bắc Ninh là tỉnh đi đầu cả nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách tôn vinh đãi ngộ đối với nghệ nhân di sản văn hóa; trong đó, 71 nghệ nhân Quan họ được hưởng chế độ theo Nghị quyết số 213 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh gồm tham gia bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí, hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 1 lần mức lương cơ sở. Qua đó tiếp thêm sức mạnh để những nghệ nhân tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, nhiệt huyết, cống hiến tài năng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Sang, thôn Viêm Xá, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh chia sẻ, đã vinh dự được Nhà nước phong danh hiệu nghệ nhân, chúng tôi mong muốn tiếp tục cống hiến lời ca, tiếng hát cho Quan họ, có trách nhiệm gìn giữ và truyền dạy các làn điệu quan họ cho thế hệ tiếp nối. Nghệ nhân quan họ Nguyễn Hữu Thoa, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, Tiên Du cho biết, Dân ca quan họ được vinh danh, những nghệ nhân quan họ như chúng tôi rất phấn khởi nhưng cũng có trách nhiệm nặng nề hơn trong công tác truyền dạy, bảo tồn để Dân ca quan họ lan tỏa hơn nữa.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Dân ca quan họ Bắc Ninh ngày thêm khởi sắc, có sức lan tỏa rộng khắp, giành được những tình cảm, sự quan tâm mến mộ không chỉ của công chúng trong nước mà còn ở nước ngoài. Từ đó khẳng định sức sống mãnh liệt, bền bỉ của một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tinh túy trên mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, anh hùng.
Thái Hùng
TTXVN