Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính. Đối tượng áp dụng bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về quản lý thu ngân sách nhà nước, HĐND thành phố Hà Nội quyết định áp dụng một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố Hà Nội bao gồm phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.
Một trong những nguyên tắc chính trong việc thí điểm thực hiện chính sách thu phí trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định tại khoản 1 Điều này nhằm bảo đảm có lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025, trình độ, yêu cầu phát triển của thành phố Hà Nội; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí quy định tại khoản 1 Điều này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương, ngân sách thành phố Hà Nội.
Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.
Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.
Liên quan đến quản lý chi ngân sách nhà nước, căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình thực tế của thành phố Hà Nội, HĐND thành phố Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.
Thành phố Hà Nội thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố Hà Nội bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm.
TTXVN