Thực hiện giải pháp cấp bách giảm thiểu thiệt hại thiên tai

Thực hiện giải pháp cấp bách giảm thiểu thiệt hại thiên tai

Triển khai thực hiện Công điện số 732/CĐ-TTg, ngày 8/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét, các địa phương đã tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó với thiên tai không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ, đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực có nguy cơ cao sạt lở và lũ quét.

Thực hiện giải pháp cấp bách giảm thiểu thiệt hại thiên tai ảnh 1Kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư Bằng La (Quảng Nam)được xây dựng theo kết cấu tường trọng lực kết hợp tường chắn đất, chiều cao 5,5 m, dài gần 1 Km. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Ảnh hưởng đến đời sống nhân dân

Tại Công điện số 732/CĐ-TTg, Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét, địa phương phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở…

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, riêng trong 7 tháng năm 2023, tổng thiệt hại do thiên tai xảy ra gần 68 tỷ đồng; trong đó toàn tỉnh đã xảy ra 98 điểm sạt lở, tăng 61 điểm so với cùng kỳ, làm mất 3.071m bờ sông, tăng 1.773m ước thiệt hại do sạt lở và sụt lún là 8,4 tỷ đồng. Công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai của tỉnh hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích sản xuất bị ngập úng nếu gặp triều cường, lũ lớn. Sạt lở bờ sông, kênh, rạch diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, diện tích đất bị mất ngày càng tăng. Việc ứng phó với dông, lốc còn rất khó khăn...

Thực hiện giải pháp cấp bách giảm thiểu thiệt hại thiên tai ảnh 2Đoàn kiểm tra, khảo sát công trình Dự án Kè chống sạt lở Khu 10B thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN

Những ngày đầu tháng 8/2023, địa bàn tỉnh Bình Phước xảy ra mưa liên tục trên diện rộng. Các huyện, thị xã, thành phố có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi trên 100mm. Mưa tập trung vào chiều và đêm gây ngập lụt cục bộ, sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Thực hiện giải pháp cấp bách giảm thiểu thiệt hại thiên tai ảnh 3

Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nặng tại nhiều địa phương của huyện Bù Đăng. Ảnh: TTXVN phát

Tỉnh Bình Phước hiện có có 62 hồ, đập đã sử dụng từ 15-20 năm. Nhiều công trình chưa được duy tu, sửa chữa trong suốt thời gian dài. Một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, không an toàn. Trong đó, hai hồ chứa đã bị thấm thân đập, cần nâng cấp là NT2 Đ7 (huyện Bù Gia Mập) và Ông Thoại (huyện Bù Đăng). 10 hồ chứa khác đang hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa, nâng cấp.

Thực hiện giải pháp cấp bách giảm thiểu thiệt hại thiên tai ảnh 4Lực lượng dân phòng và công an địa phương Bình Phước đang hỗ trợ người dân sửa lại nhà. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 17/8, tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Đoàn công tác liên ngành Trung ương do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp làm Trưởng đoàn đã tổ chức Hội nghị đánh giá mức độ sạt lở bờ sông, bờ biển ở 5 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An và Tiền Giang. Qua khảo sát, kiểm tra thực tế 11 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển tại các địa phương trên, Đoàn công tác thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xử lý khẩn cấp 6 khu vực sạt lở nghiêm trọng. Các điểm ưu tiên gồm: điểm sạt lở bờ sông Lái Hiếu (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang); điểm sạt lở bờ biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh); dự án phòng, chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre); dự án xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) và dự án kè chống sạt lở thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An); dự án xói lở bờ biển Gò Công, đoạn từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ (tỉnh Tiền Giang).

Thực hiện giải pháp cấp bách giảm thiểu thiệt hại thiên tai ảnh 5Ngôi nhà của người dân tại ấp Khu phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) sụp đổ do sạt lở. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ

Đến nay, Khánh Hòa đã hoàn tất việc xây dựng các phương án ứng phó thiên tai đến từng địa phương, đơn vị theo quy định; kiện toàn phân công nhiệm vụ cụ thể của các lực lượng phòng, chống thiên tai. Tỉnh triển khai các lực lượng, thiết bị đảm bảo "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai… Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã phân bổ 20 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện khắc phục những công trình bị hỏng, thiệt hại do mưa lũ gây ra. UBND tỉnh phân bổ cho các địa phương, đơn vị 16 nhà bạt, 2.000 phao tròn cứu sinh, 10 phao bè nhẹ, một thiết bị khoan cắt, một máy phát điện để chủ động ứng phó thiên tai...

Thực hiện giải pháp cấp bách giảm thiểu thiệt hại thiên tai ảnh 6Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hoà. Ảnh: Đặng Tuấn -TTXVN

Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị, tỉnh Khánh Hòa hoàn thiện hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai của Ban Chỉ đạo các cấp nhanh chóng, bài bản. Địa phương tiếp tục hoàn thiện các phương án sơ tán, ứng phó để phổ biến cho người dân và các cơ quan, tổ chức về các phương án phòng, chống ngập lụt, mưa bão (trong đó chuẩn bị tốt nguồn dự trữ thuốc men); nơi tránh trú thiên tai cho người dân cần phải chi tiết, cụ thể hơn.

Thực hiện giải pháp cấp bách giảm thiểu thiệt hại thiên tai ảnh 7Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, đã làm việc với UBND tỉnh Khánh Hoà về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà. Trong ảnh: Đoàn công tác kiểm tra tại cảng Hòn Rớ, cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ. Ảnh: Đặng Tuấn -TTXVN

Vĩnh Long nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có vị trí quan trọng, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước. Tuy nhiên, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; khai thác cát trái phép; tập quán sinh sống của người dân tập trung ở khu vực bờ sông.

Để công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới đạt hiệu quả, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm và hậu quả của vấn đề sụt lún, sạt lở đối với các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn. Tỉnh rà soát lại hệ thống sông và thống kê các hộ dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao để quy hoạch các khu tái định cư cho người dân, tránh tình trạng khi sạt lở rồi mới tính toán tìm khu tái định cư; chủ động hỗ trợ đời sống người dân khu vực bị ảnh hưởng sạt lở.

Tỉnh tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Vĩnh Long kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở ven sông, đặc biệt là những vùng có nguy cơ sạt lở; kiểm soát chặt chẽ vấn đề quản lý, khai thác cát; thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập ứng phó, phòng, chống sạt lở, thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông.

Trước diễn biến phức tạp do lún, nứt, gãy địa chất, sạt lở đường, an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do lún, nứt, gãy địa chất, sạt lở đường, an toàn hồ đập trên địa bàn.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm chế độ ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, tình hình mưa lũ, sụt lún, sạt lở, sạt trượt đất, an toàn hồ đập, hồ thủy điện, ngập lụt tại các vùng trũng. Các địa phương chủ động tổ chức kiểm tra rà soát các khu vực trọ có nguy cơ xảy ra sự cố, tiếp nhận thông tin kịp thời về sạt lở, nứt, lún, mất an toàn hồ đập để điều chỉnh bổ sung, tham mưu đề xuất, sử dụng lực lượng, phương tiện xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra.

Mùa mưa lũ 2023 đã cận kề, thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, tỉnh Ninh Thuận đang tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, chuẩn bị các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai ứng phó, phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có mưa, bão, lũ, thiên tai xảy ra để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, hoạt động sản xuất của người dân.

Tính riêng trong giai đoạn năm 2019 đến nay, Ninh Thuận đã triển khai xây dựng các dự án như: Kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải); dự án khắc phục hậu quả thiên tai khẩn cấp do bão, lũ một số đoạn trên tuyến đê biển Đông Hải; đê kè biển Phú Thọ (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm); kè chống sạt lở khu vực cảng Cà Ná (huyện Thuận Nam); tuyến kè bảo vệ bờ Nam sông Dinh và tuyến đường gom thuộc dự án đập hạ lưu sông Dinh (huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm). Các dự án trên có tổng vốn đầu tư gần 355 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng kế hoạch tổng thể xử lý sạt lở khả thi, trên cơ sở đó đưa ra phương án khắc phục mang tính dài hạn, hiệu quả bền vững, ổn định lâu dài theo trình tự: xem xét, đánh giá cụ thể nguyên nhân gây ra sạt lở, di dời hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bố trí lại hợp lý người dân đến nơi ở an toàn, triển khai những giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở…

Các địa phương ưu tiên những điểm sạt lở nghiêm trọng xử lý trước. Các điểm chưa nghiêm trọng, chưa cấp thiết xử lý sau hoặc phân cấp xử lý cho các địa phương tùy theo mức độ sạt lở. Đặc biệt, các tỉnh trong khu vực cần khẩn trương lập Dự án xử lý thật cụ thể trước khi trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước khi thực hiện theo đúng trình tự pháp luật quy định.

Nguyễn Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm