Bình Phước chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai

Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân sửa lại các mái nhà bị hư hỏng. Ảnh: TTXVN phát
Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân sửa lại các mái nhà bị hư hỏng. Ảnh: TTXVN phát

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến nay, mưa kèm theo các trận dông lốc làm ngã đổ cây trồng, tốc mái nhà cửa và gây hư hỏng tài sản, ước tính hơn 18 tỷ đồng.

Bình Phước chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai ảnh 1Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân sửa lại các mái nhà bị hư hỏng. Ảnh: TTXVN phát

Trong 7 tháng, thiên tai xảy ra khiến 8 căn nhà bị sập, 231 căn bị tốc mái; gãy đổ và thiệt hại hơn 181 ha cây trồng các loại. Lốc xoáy làm khoảng 17 ha sầu riêng bị rụng trái non ở huyện Bù Đăng, Lộc Ninh; bật gốc và đổ nhiều cây xanh trên các tuyến đường thuộc thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng, thành phố Đồng Xoài. Thiên tai còn làm sập đổ một khu nhà xưởng, gãy đổ 55 trụ điện, 12m hàng rào nghĩa trang liệt sỹ bằng bê tông bị sập đổ. Nhiều tài sản khác bị ngập nước hư hỏng...

Theo ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa trái mùa kèm theo lốc xoáy làm ngã đổ cây trồng, tốc mái nhà cửa và gây hư hỏng tài sản, công trình của nhân dân, Nhà nước. Thường trực Ban Chỉ huy tỉnh thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai như: Tuyên truyền và tăng cường triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai, với mưa dông, lốc xoáy, cây xanh ngã đổ và gió giật mạnh; tăng cường tuyên truyền về phòng chống tai nạn đuối nước…

Chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ”, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn về kiến thức phòng chống thiên tai đến cấp xã; tập huấn và trang bị vật tư, thiết bị phục vụ cho hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; tập huấn cho cộng đồng dân cư...

Sau khi thiên tai xảy ra, UBND cấp xã huy động lực lượng xung kích, Đoàn Thanh niên, Mặt trận, đoàn thể… cùng UBND cấp huyện triển khai các biện pháp khắc phục, giúp người dân dựng lại nhà cửa, dọn dẹp, vệ sinh; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện xác minh, tổng hợp thiệt hại để thực hiện hỗ trợ theo quy định. Các lực lượng triển khai các biện pháp xử lý nguồn nước ăn uống, sinh hoạt cho nhân dân, xử lý môi trường, xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh; ổn định cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị; trực cấp cứu sẵn sàng thu dung và cấp cứu các nạn nhân bị ảnh hưởng của thiên tai.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm