Chiều 2/1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai đồng bộ 188 chính sách tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi cùng các chính sách an sinh xã hội, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng ổn định, từng bước được cải thiện, nâng cao.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ cũng như thực hiện đồng thời ba Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, dự án khác trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào.
Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến đóng góp tham luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác dân tộc năm 2023, khẳng định đây là những kết quả rất đáng ghi nhận, với việc triển khai nhiều mô hình, cách làm hay để từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu.
Đề cập tới những khó khăn trong việc triển khai thực hiện các chính sách, nhiệm vụ về công tác dân tộc, Phó Thủ tướng cho rằng, cần nhận diện rõ những hạn chế như: Đời sống, sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn còn phụ thuộc và bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tự nhiên, trình độ dân trí chưa cao, nhiều địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức tới công tác dân tộc, còn tình trạng tâm lý người dân trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Đề nghị các cấp, bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm đúng mức hơn tới việc thực hiện công tác dân tộc, Phó Thủ tướng khẳng định: "Thực tế cho thấy địa phương nào, ngành nào có sự quan tâm tốt lĩnh vực này thì nơi đó kết quả triển khai rất tốt".
Theo Phó Thủ tướng, trong điều kiện các chính sách đều mang tính phổ quát, quá trình triển khai các nhiệm vụ về công tác dân tộc cần có sự linh hoạt nhất định để phù hợp với điều kiện văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện cụ thể về mức sống... của từng vùng, từng khu vực; tuyên truyền để đồng bào cùng đồng lòng, chia sẻ, không để bị lôi kéo, kích động bởi các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước...
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục phát huy vai trò điều phối chủ đạo các chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giữa các bộ, ngành, tránh chồng chéo trong việc thực hiện. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần quan tâm bố trí những cán bộ có đủ kinh nghiệm, khả năng để hỗ trợ cho công tác này; đẩy mạnh thực hiện công tác dân tộc dựa trên cơ sở phân cấp...
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2023, để Chương trình công tác năm 2024 và những năm tiếp theo đạt được các mục tiêu đề ra, công tác dân tộc trong năm 2024 sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tổ chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng các đề án, chính sách dân tộc; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; tăng cường theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi...
Tại Hội nghị, ông Lê Sơn Hải, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; ông Lê Tuấn Hà, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số (Ủy ban Dân tộc) được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Hiền Hạnh