Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, năm 2025, tỉnh quan tâm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.

vna_potal_doan_co_quan_ttxvn_tang_do_dung_hoc_tap_giup_hoc_sinh_bac_giang_tiep_buoc_den_truong_7607030.jpeg
Niềm vui của các học sinh trường Tiểu học An Lạc (Sơn Động, Bắc Giang) khi được nhận đồ dùng học tập. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Tổng vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2025 là trên 610 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương; đối ứng từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã, vốn tín dụng chính sách và vốn huy động khác để thực hiện 10 dự án thành phần.

Bắc Giang đặt mục tiêu năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm; phấn đấu có 3 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Toàn tỉnh hỗ trợ 136 hộ làm nhà ở, 512 hộ thực hiện chuyển đổi nghề, đầu tư xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung; hoàn thành 20 km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; đầu tư xây dựng 55 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 7 trường học; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 4 trường nội trú, bán trú. Tỉnh phấn đấu hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng cho 750 người; hỗ trợ người 30 lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số học nghề, học ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng...

vna_potal_doan_co_quan_ttxvn_tang_do_dung_hoc_tap_giup_hoc_sinh_bac_giang_tiep_buoc_den_truong_7607026.jpeg
Đoàn cơ quan TTXVN tặng đồ dùng học tập cho các học sinh trường Tiểu học An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Năm 2025, Bắc Giang sẽ tăng cường phân cấp, trao quyền cho UBND xã, thôn, bản, quyền tự chủ cho cộng đồng trong việc thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tổng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, ngân sách huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn 2022 - 2024 là trên 1.330 tỷ đồng. Đến nay, Chương trình đã đầu tư xây dựng mới 122 công trình (trong đó có 61 công trình giao thông, 19 công trình thủy lợi, 25 nhà văn hóa, 11 trường học, 6 trạm y tế xã); cải tạo nâng cấp 5 chợ; duy tu, bảo dưỡng 66 công trình; mua sắm thiết bị cho 6 trạm y tế... Chương trình đã hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 300 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 584 hộ; thực hiện 2 dự án sắp xếp ổn định dân cư...

Chương trình đã thực hiện các hoạt động bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể tại huyện Sơn Động; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn; hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Nội dung của các dự án, tiểu dự án của Chương trình bao phủ trên mọi lĩnh vực, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của người dân miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm (tỷ lệ hộ nghèo 73 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã giảm từ 9,98% năm 2021 xuống còn 5,66% năm 2023).

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm