Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành trồng cây ngập mặn ở vùng ven đầm Lập An, Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc). Ảnh : tinmoitruong.vn |
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, vùng ven biển, đầm phá ở Thừa Thiên - Huế có đến 42 xã, thị trấn thuộc năm huyện, thị xã: Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Tuy nhiên, do hiện tượng sạt lở bờ biển và cát bay, cát nhảy, hoang mạc hóa là những mối đe dọa thường xuyên, làm cho vùng đất nơi đây vốn đã khốn khó, lại càng khó hơn. Việc trồng và phát triển thêm các diện tích rừng ngập mặn góp phần tạo các vành đai xanh bảo vệ vùng ven đầm phá và bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực. Từ đặc điểm đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn coi trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển theo hướng bền vững; lồng ghép phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo vệ dân sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, rừng ngập mặn vùng rú chá Hương Phong (huyện Hương Trà); Cảnh Dương và đầm Lập An, Lăng Cô (huyện Phú Lộc), Tân Mỹ (huyện Phú Vang) do được tập trung phát triển để tái tạo và phục hồi, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển. Từ lợi ích do rừng ngập mặn mang lại, từ năm 2018 đến nay, Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh triển khai dự án trồng rừng ven biển và đầm phá với diện tích hơn 50 ha, tập trung trên địa bàn các huyện: Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà. Từ nay đến năm 2020, tỉnh phấn đấu đưa diện tích trồng mới rừng ven biển và vùng đầm phá lên 290 ha; trong đó, có 160 ha ngập mặn và 130 ha ngập ngọt. Theo đó, Thừa Thiên - Huế dự kiến đầu tư 110 tỉ đồng thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, đầm phá. Đáng chú ý, trong các đợt thiên tai vừa qua, vành đai rừng ngập mặn trải dài 15 km dọc ven biển và vùng ven phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát huy tác dụng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, hạ tầng ven phá. Hiện tại, Thừa Thiên - Huế đã tạo ra được bộ giống thích hợp như cây sú, vẹt, đước và cây mắm để phát triển trồng rừng tại vùng đầm Lập An thuộc thị trấn Lăng Cô, vốn là nơi sinh sống, cư ngụ của nhiều loài hải sản có giá trị. xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) là địa phương nằm dọc theo vùng bờ biển Thừa Thiên - Huế, nơi có tới 2/3 ranh giới xã được bao bởi sông Hương và phá Tam Giang, tác động của thiên tai lên cuộc sống và hoạt động canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản rất lớn. Thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong đã thành lập hội đoàn trồng 4.000 m2 rừng ngập mặn tại Cồn Tè với 2.200 loài cây, gồm bần, sú, mắm, đước; bảo vệ, phát triển 5 ha rừng nguyên sinh rú chá. Thời gian qua, Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF) cũng đã tài trợ cho Thừa Thiên - Huế 711 triệu đồng xây dựng vườn ươm cây giống phục vụ việc trồng rừng ngập mặn trên địa bàn. Riêng xã Hương Phong, thị xã Hương Trà đã tiến hành ươm thành công 16.000 cây các loại như đước vòi, vẹt khang, sú, bần, mắm. Số cây giống này dự tính sẽ trồng trên diện tích khoảng 20 ha; trong đó có 11.000 cây tập trung để phát triển thêm diện tích rú chá, còn lại là trồng cây phân tán để bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng đất dễ bị xói lở và trồng từ 5-7 ha ao nuôi thủy sản kết hợp với môi trường sinh thái… Trước đó, Cục Hợp tác và Phát triển Hà Lan đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên – Huế trồng thử nghiệm 4.000 m2 với 2.200 cây ngập mặn tại Hương Phong (1.800 cây bần chua, 200 cây mắn, 200 cây sú); với tỉ lệ cây sống trên 80%, chiều cao cây trung bình hơn 1,5m; trong đó, có nhiều cây đã ra hoa kết trái. Hiện ở Cồn Tè, xã Hương Phong, Cục Hợp tác và Phát triển Hà Lan tiếp tục tài trợ để trồng mở rộng thêm 2,5 ha rừng ngập mặn và đã trồng phân tán được hơn 4.000 cây ngập mặn. Đây được xem là nơi trồng cây ngập mặn thành công nhất tại Thừa Thiên – Huế. Việc hình thành các đai rừng ngập mặn trồng dọc theo bờ phá Tam Giang, trong tương lai đây sẽ là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trước những bất lợi của thời tiết, đồng thời cung cấp thức ăn cho nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế. Sau thời gian diện tích rừng ngập mặn phát triển, nhiều khu vực canh tác nuôi trồng thủy sản và mặt nước tự nhiên đã trở thành nơi cư trú, sinh sản của nhiều loại thủy sản như cua, cá, giúp làm giàu thêm nguồn lợi thủy sản ở nhiều vùng đất ngập nước; nhất là các bãi giống, bãi đẻ tự nhiên cho các loài thủy sản cũng được hình thành từ đây…
Quốc Việt