Công ty Xi măng Đồng Lâm đồng hành cùng người dân Thừa Thiên - Huế xây dựng đường nông thôn mới. Ảnh: nongthonmoithuathienhue.vn |
Theo ông Phạm Quyền, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Thừa Thiên - Huế, tỉnh thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, một mặt phát huy được vai trò chủ thể người dân; đồng thời, làm tốt công tác vận động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn đóng góp công sức cùng xây dựng nông thôn mới. Đối với nguồn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, ngoài đảm bảo quy định, ưu tiên cho các địa phương phấn đấu về đích đúng hạn, các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng các tiêu chí nông thôn mới, các địa phương cũng tăng tính minh bạch, công khai dân chủ trong thực hiện các nguồn vốn để tạo sự đồng thuận trong dân. Tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng kế hoạch trung hạn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ trên địa bàn; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các chương trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông, góp phần nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình, Công ty Cổ phần xi măng Đồng Lâm với chương trình "Đồng hành xây dựng cùng Thừa Thiên - Huế xây dựng nông thôn mới". Mỗi năm, công ty góp hàng ngàn tấn xi măng, chung tay cùng địa phương trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Năm 2018, công ty đã tài trợ 2.102 tấn xi măng loại bao 50 kg, với mục đích hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh; trong đó, huyện Phong Điền là 790 tấn, huyện A Lưới 346 tấn, huyện Quảng Điền 259 tấn, huyện Phú Vang 214 tấn. Trước đó, năm 2017, Công ty cũng đã phối hợp cùng với Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tài trợ gần 1.400 tấn xi măng Đồng Lâm PCB40 để xây dựng khoảng 12km đường giao thông và kênh mương nội đồng. Như vậy, trong 2 năm 2017 và 2018, Công ty Cổ phần xi măng Đồng Lâm đã cùng các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng hơn 130 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài gần 30km. Công ty tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ thêm hệ thống đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân trong thời gian tới. Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới; theo dõi, đánh giá việc triển khai các chính sách để điều chỉnh bổ sung, bảo đảm cho chính sách phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống, có hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo, phát triển hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động các nguồn vốn đầu tư cho chương trình 5.119 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách 977,5 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 922 tỷ đồng, vốn tín dụng 2.174 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp 296 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư và huy động khác 750 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 44 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 42,3%. Riêng năm 2018, toàn tỉnh có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đến giữa năm 2019 đạt 16,30 tiêu chí/xã, tăng 0,15 tiêu chí/xã so với đầu năm...
Quốc Việt