Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng một số đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam qua các thời kỳ đã dự buổi lễ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hiếu học là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Mỗi người dân nước Việt dù còn nghèo khó nhưng vẫn luôn dành dụm, chắt chiu để tạo điều kiện cho con em mình có cơ hội được học tập với niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Đã có biết bao tấm gương hiếu học trong lịch sử dân tộc, trong đó, Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu là tấm gương sáng ngời cho tấm gương hiếu học và sự cống hiến cho dân tộc, cho đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả đã đạt được của Hội Khuyến học Việt Nam trong 20 năm qua. Hội đã mở rộng tất cả các hoạt động của mình đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và lan tỏa đến tổ dân phố, cụm dân cư, bản làng, thôn xóm, các dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp với trên 14 triệu hội viên. Hội đã lấy xây dựng xã hội học tập từ cơ sở làm mục tiêu và nội dung hoạt động, chủ động, sáng tạo thu hút đông đảo nhân dân tham gia xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cụm dân cư hiếu học và ngày nay là gia đình học tập, dòng họ học tập, cụm dân cư học tập. Với vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học Việt Nam cùng với ngành giáo dục, các tổ chức chính trị xã hội, ban ngành, địa phương, 98% xã, phường, thị trấn đã thành lập Trung tâm học tập cộng đồng, góp phần thúc đẩy giáo dục cho người lớn. Hội đã phát triển mạnh mẽ hệ thống Quỹ Khuyến học, Khuyến tài; mỗi năm trao học bổng cho hàng triệu trẻ em nghèo, trao phần thưởng cho hàng chục vạn học sinh, sinh viên giỏi. Hội đã tổ chức tốt Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, khích lệ những tấm gương thành tài nhờ học tập, lao động sáng tạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ II cho Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Phát huy những thành tích đã đạt được, Thủ tướng yêu cầu: Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cần phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Hội Khuyến học Việt Nam làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng, thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Các phong trào cần huy động được sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị; sự năng động, sáng tạo của nhà trường, sự chung tay của cộng đồng xã hội, của các bậc phụ huynh. Nối tiếp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một xã hội học tập, khuyến khích hiền tài bồi đắp thêm kiến thức để đưa quốc gia vững bước hội nhập vào kỷ nguyên công nghệ số.
Trong diễn văn kỷ niệm, ông Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 112/QĐ-TTg thành lập “Hội khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam”, gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam. Hội có nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm chia sẻ: Trong những năm tới, Hội sẽ mở rộng và đa dạng hóa các hình thức học tập: Học ở nhà, học tại nơi làm việc, học trong cơ sở sản xuất, học tại các cơ sở giáo dục không chính quy và phi chính quy nhằm tạo điều kiện mở rộng phong trào thi đua người người học tập, nhà nhà học tập, ngành ngành học tập. Qua phong trào học tập và kinh nghiệm một số nước, Hội dự định sẽ xây dựng mô hình “Công dân học tập” sống và làm việc trong xã hội học tập. Các hội viên của Hội phải phấn đấu trở thành những công dân học tập và giúp đỡ những người khác cũng học tập không ngừng trong suốt cuộc đời.
Các lực lượng khuyến học trong cả nước sẽ làm tốt hơn nữa việc hỗ trợ các hoạt động của hệ thống giáo dục chính quy, hệ thống giáo dục ban đầu của thế hệ trẻ và xây dựng hệ thống giáo dục tiếp tục với những thiết chế giáo dục không chính quy dành cho những người trong độ tuổi lao động và cho cả những người cao tuổi nhưng vẫn còn tiềm năng sáng tạo./.