Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng đánh giá, trong tháng 10 này, Chính phủ đã tổ chức thành công sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm là 3 hội nghị quốc tế: CLMV 8, ACMECS 7 và WEF-Mê Công. Hội nghị thu hút sự quan tâm và tham gia của lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp, các đối tác phát triển như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Đại sứ các nước, các tập đoàn, tổng công ty hàng đầu thế giới và Việt Nam đông nhất từ trước đến nay. Với những nỗ lực trong công tác tổ chức, Việt Nam đã thể hiện được vai trò, vị thế trong khu vực và quốc tế, để lại ấn tượng tốt đối với các bên tham dự hội nghị, nhất là về những sáng kiến của nước chủ nhà trong quá trình tổ chức. Thủ tướng cho rằng, đây là những kinh nghiệm tốt phục vụ công tác chuẩn bị cho Hội nghị APEC 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2016. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc WB xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 nền kinh tế và đứng thứ 5 trong khối ASEAN là bước tiến đáng mừng, Thủ tướng phân tích 5 chỉ tiêu thành phần có sự cải thiện rất rõ rệt, đó là thương mại xuyên biên giới, thực hiện hợp đồng, đóng thuế, tiếp cận điện năng và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ (tăng tới 31 bậc). Tuy vậy, một số chỉ tiêu thụt lùi như: cấp phép xây dựng, tiếp cận vốn, thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải rà soát, tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp để khắc phục những yếu kém này.
Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2016. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Cảnh báo về vấn đề lạm phát, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương phải có biện pháp kiểm soát, không để lạm phát vượt trần Quốc hội giao, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh tăng trưởng.
Đặc biệt lưu ý nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, quý 4, tăng trưởng phải đạt mức từ 7,1 đến 7,3 % để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,3 đến 6,5%. Nếu không hoàn thành thì sẽ ảnh hưởng đến nợ công. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ bàn thảo sâu, kỹ hơn để có các giải pháp thích hợp; trong đó, lưu ý các giải pháp là giải ngân vốn đầu tư các dự án giao thông, xây dựng cơ bản; xuất khẩu, dịch vụ, nhất là du lịch. Cùng với đó là các giải pháp tài chính, tín dụng đầu tư.