Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới. Ảnh :Hoàng Thống Nhất |
Hội nghị là dấu mốc quan trọng để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa X), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hanh Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặt ra mục tiêu: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đến 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới”. Thực hiện Nghị quyết số 26, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và rất khẩn trương xây dựng Chương trình hành động, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, xác định đây là giải pháp thiết thực nhất để cụ thể hóa Nghị quyết số 26; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để vận động, huy động các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 và 9 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và sự hưởng ứng, chung tay, góp sức của nhân dân, cả nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Khu vực nông thôn Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là trong giai đoạn nước ta chịu tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Kết quả nổi bật là đã hoàn thành trước gần 2 năm mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân tăng gần 3 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn nâng cao và đã có địa phương có xã đạt chuẩn kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Có 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh, gấp gần 3 lần so với năm 2010 (12,8 triệu/người năm 2010, 35,9 triệu đồng/người năm 2018). Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm). Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được trên 2,4 triệu tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách nhà nước trên 670 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7%); vốn tín dụng trên 1,39 triệu tỷ đồng (chiếm 57,6%); vốn doanh nghiệp trên 118 nghìn tỷ đồng (chiếm 4,9%); đóng góp của nhân dân gần 236 nghìn tỷ đồng (chiếm 9,8%). Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, hiện đại hóa một bước theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Trong đó, nổi bật nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, sau hơn 9 năm, cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được quan tâm, như tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tăng đáng kể qua từng năm, từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% hiện nay, thậm chí có nhiều địa phương cấp huyện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã đạt đến trên 90%. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng còn một số điểm cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện trong giai đoạn tới, với nhiều thách thức bên trong và bên ngoài đến từ biến đổi khí hậu, từ thị trường, từ quá trình hội nhập sâu rộng. Do đó, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, nhiệm vụ thời gian tới để tiếp tục thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm tới đây, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh sẽ rất khó lường, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Hội nghị cũng đánh giá, nhận diện rõ được những tồn tại, hạn chế; đưa ra giải pháp đồng bộ để khắc phục, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 54 ngày 7/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trước Hội nghị này, tối 18/10, tại Lễ vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025.
Xuân Tùng