Thủ tướng Chính phủ: Rà soát kỹ lưỡng, tiếp tục cắt giảm mạnh thủ tục hành chính

Hoạt động tại Trung tâm Kiểm soát Thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp đạt hiệu quả cao. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Hoạt động tại Trung tâm Kiểm soát Thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp đạt hiệu quả cao. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Về báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm (Báo cáo của Văn phòng Chính phủ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa; phân cấp nhiều hơn và xây dựng chế tài, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc hành chính.

Thủ tướng Chính phủ: Rà soát kỹ lưỡng, tiếp tục cắt giảm mạnh thủ tục hành chính ảnh 1Hoạt động tại Trung tâm Kiểm soát Thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp đạt hiệu quả cao. Ảnh: Nhựt An - TTXVN



Cắt giảm, đơn giản hóa 641 quy định kinh doanh

Theo Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm của Văn phòng Chính phủ, nhiều bộ đã quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định kinh doanh. Tổng số quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 là 641 quy định, gồm: 174 thủ tục hành chính; 26 yêu cầu, điều kiện; 15 chế độ báo cáo; 426 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại 56 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 4 Luật, 17 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 29 Thông tư, Thông tư liên tịch và 04 văn bản khác). Thực hiện tốt nhiệm vụ này là các Bộ: Lao Động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Tài chính; Ngân hàng nhà nước.

Các bộ, cơ quan sử dụng công cụ rà soát, tính chi phí tuân thủ để thực hiện rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, Văn phòng Chính phủ cho ý kiến đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc chức năng quản lý của 05 bộ (Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Tư pháp, Công Thương); thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của 02 bộ (Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo).

Như vậy, tính đến nay, đã có 08 bộ, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Tổng số phương án được phê duyệt là 1.006 quy định, gồm: 681 thủ tục hành chính; 34 chế độ báo cáo; 103 yêu cầu, điều kiện; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, các bộ nêu trên phải ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 187 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 12 Luật, 6 Pháp lệnh, 71 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 95 Thông tư, Thông tư liên tịch) để thực thi các phương án đã được phê duyệt.

Việc tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và quy định kinh doanh dự kiến ban hành trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó một số bộ đã thực hiện tham vấn trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Tích hợp, cung cấp 3.675 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Đến nay, cả nước có 60 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh; nhiều bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt. Các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh triển khai Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tăng cường giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai việc kiểm tra hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phần mềm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính; đã thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình để thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Các bộ, ngành, địa phương đã tích hợp, cung cấp 3.675 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 55% tổng số thủ tục hành chính (trong đó có 1.947 dịch vụ công trực tuyến dành cho doanh nghiệp). Một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác này như: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bình Phước, Ninh Thuận, Lào Cai, Quảng Nam…

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm