Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đến năm 2040.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái ảnh 1Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái được quy hoạch là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ. Ảnh: vov.vn

Theo đó, Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái bao gồm 17 xã, phường của thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà, các xã Quảng Minh, Quảng Thành, Cái Chiên, Quảng Phong của huyện Hải Hà.

Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái được xây dựng trở thành khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc).

Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; khu du lịch quốc gia có tính chất du lịch biển đảo, thương mại cửa khẩu; đô thị biển hiện đại và bền vững; khu có vị trí đặc biệt về chiến lược, quan trọng về quốc phòng an ninh.

Dến năm 2030, quy mô dân số Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái có khoảng 310 - 320 ngàn người. Lượng khách du lịch khoảng 5 - 6 triệu lượt/năm. Đến năm 2040, có khoảng 460 - 470 ngàn người và lượng khách du lịch khoảng 8 - 9 triệu lượt/năm.

Về quy mô xây dựng, đến năm 2030, đất xây dựng khoảng 15,5 - 16 ngàn ha (trong đó khu vực thành phố Móng Cái khoảng 8,5 ngàn ha, còn lại thuộc huyện Hải Hà). Đến năm 2040, đất xây dựng khoảng 24,4 đến 26 ngàn ha (trong đó khu vực thành phố Móng Cái khoảng 15 ngàn ha, còn lại ở huyện Hải Hà).

Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái được phát triển theo mô hình cấu trúc gồm 3 hành lang (hành lang đô thị, dịch vụ dọc quốc lộ 18; hành lang du lịch, nông nghiệp và dịch vụ cảng; hành lang sinh thái và biên giới và 2 vùng phát triển động lực là thành phố Móng Cái, khu đô thị - công nghiệp cảng biển Hải Hà.

Cấu trúc phát triển không gian thành 5 khu vực chính: Khu A - Khu trung tâm thành phố Móng Cái; Khu B - Khu vực Hải Hà; Khu C - Trung tâm dịch vụ tích hợp; Khu D - Khu vực du lịch biển đảo phía Nam và Khu E - Dịch vụ thương mại vùng biên và phát triển nông thôn mới.

Thành phố Móng Cái được phát triển theo cấu trúc vành đai và hướng tâm, gồm trung tâm hiện hữu, vành đai dịch vụ đô thị, vành đai chức năng, vành đai sinh thái. Phát triển các trục hướng tâm với các chức năng chủ đạo của khu kinh tế như: Trục thương mại Hải Yên - Bắc Luân 3 với trọng tâm là khu hợp tác kinh tế; trục dịch vụ du lịch từ trung tâm đến Trà Cổ; trục dịch vụ hỗ trợ từ trung tâm tới cảng Vạn Ninh; trục sản xuất công nghiệp công nghệ cao theo hành lang kết nối với Hải Hà; trục dịch vụ sinh thái nông lâm nghiệp hướng Tây.

Khu vực Hải Hà phát triển mở rộng về phía Tây gắn với Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và trục kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; về phía Đông gắn với phát triển đô thị dịch vụ sinh thái. Phát triển theo cấu trúc mạng ô cờ, sắp xếp lại không gian các khu vực hiện trạng để tạo nên không gian đô thị đồng bộ, hiện đại.

Khu vực Trà Cổ - Bình Ngọc phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch biển gắn với văn hóa và vui chơi giải trí; trong đó ưu tiên bổ sung các khu công viên vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, công trình hạ tầng dịch vụ du lịch...

Khu vực các đảo: Vĩnh Trung - Vĩnh Thực, Cái Chiên, Vạn Mặc, Vạn Nước, thoi Xanh… phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp với cảnh quan, địa hình, thảm thực vật, hệ sinh thái ven biển. Phát triển các kiến trúc xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường, được kết nối dễ dàng bằng hệ thống giao thông thủy, cáp treo và các khu dịch vụ bến cảng du thuyền…

Văn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm