Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Ảnh: Trần Việt -TTXVN |
Vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng có phiếu chất vấn gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với mong muốn Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn lớn hơn cho các ngân hàng chính sách để nâng mức vốn vay đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân sống ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông dân tộc thiểu số..., nhằm phát huy đầy đủ tiềm năng, hiệu quả của chương trình tín dụng rất có ý nghĩa này, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện chủ trương này, Đảng và Nhà nước đã có định hướng chỉ đạo xây dựng nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ thực hiện xóa đói, giảm nghèo đối với các đối tượng chính sách. Ngày 4/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách Xã hội được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo để thực hiện tín dụng chính sách theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP.
Từ 3 Chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay Ngân hàng Chính sách Xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện (như chương trình tín dụng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở,...).
Tính đến ngày 30/9/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 184.727 tỷ đồng, gấp gần 26 lần so với thời điểm thành lập. Nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hỗ trợ cho hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho gần 3,7 triệu lao động; hỗ trợ cho hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 11 triệu công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 690 nghìn căn nhà.
Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách bao gồm: vốn từ ngân sách nhà nước, vốn huy động; vốn đi vay; vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn khác. Tính đến 30/9/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 195.970 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017.
Tính đến ngày 30/9/2018 đã bố trí ngân sách Trung ương cấp vốn điều lệ (13.893 tỷ đồng); cấp vốn thực hiện các Chương trình tín dụng chính sách (17.346 tỷ đồng); cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý (22.447 tỷ đồng); có cơ chế cho phép phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (tổng khối lượng huy động là 91.008 tỷ đồng)...
Riêng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước đã bố trí cho Ngân hàng Chính sách Xã hội là 21.978 tỷ đồng, trong đó cấp vốn điều lệ: 7.575 tỷ đồng; cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý là 13.290 tỷ đồng.
Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần ban hành Quyết định giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Mới nhất là Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 1/6/2015, cụ thể: giảm lãi suất cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài từ 0,6%/tháng (7,2%/năm) xuống còn 0,55%/tháng (6,6%/năm); hộ cận nghèo từ 0,72%/tháng (8,64%/năm) xuống còn 0,66%/tháng (7,92%/năm)...
Tuy nhiên, qua tiếp nhận ý kiến của các Đoàn công tác, kiến nghị của hộ vay, cử tri các địa phương, đại biểu Quốc hội trên cả nước thì một số chương trình tín dụng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay của người dân. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách Xã hội nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ việc nâng mức cho vay một số chương trình tín dụng vào thời điểm phù hợp.
Đỗ Phương Bình