Đã vài tháng nay, nhiều hộ nông dân tại các xã vùng núi đá của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp nghiêm trọng. Vì thiếu nước, hàng trăm ha lúa và rau màu khác không thể gieo cấy, chăm sóc ổn định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều hộ nông dân vốn chỉ trông chờ nguồn thu nhập từ ruộng đồng.
Tại xã Bằng Mạc, nơi có nhiều ao, hồ chứa dung tích nước lớn nhưng đến nay đều cạn trơ đáy. Trên các cánh đồng lúa, những chân ruộng khô nứt nẻ, một số diện tích mạ non vẫn trên luống chờ ngày được cấy. Để chống chọi với thời tiết cực đoan, người dân tận dụng hết những nguồn cung cấp nước từ khe, ao, mạch nước núi đá… để dẫn về ruộng vườn; thậm chí, nhiều hộ còn chủ động mua thùng chứa nước dung tích lớn để tưới cho nương ruộng. Tuy nhiên, những cách làm này cũng chỉ “cứu” được một phần nhỏ diện tích đất trồng lúa và hoa màu đang nứt nẻ.
Như nhiều hộ dân ở Bằng Mạc, gia đình ông Nông Văn Cừ tại thôn Khòn Nưa đang đối mặt với tình trạng thiếu nước gieo cấy lúa. Theo ông Cừ, gia đình có 8 sào đất trồng lúa thì tới 2 sào vì thiếu nước mà bỏ không. Số còn lại may mắn vẫn cấy được, tuy nhiên sống hay không còn phụ thuộc vào nguồn nước tưới.
Trước kia, tình trạng hạn hán không phức tạp, tuy thiếu nước nhưng bà con vẫn cấy được. Hai năm trở lại đây, nguồn nước thiếu hụt nghiêm trọng, nhiều đất lúa đã bỏ không. Cả nhà có nguồn thu chính từ đồng ruộng nhưng giờ chăm sóc khó, chưa biết phải tính sao - ông Cừ chia sẻ và mong muốn các cấp chính quyền sớm đầu tư kênh mương thủy lợi để bà con trong thôn, xã cấy được hết diện tích đất lúa đang bỏ không.
Anh Đỗ Văn Tiến ở thôn Nà Mó cho biết, gia đình có 9 sào đất trồng lúa, nhưng vì thiếu nước nên chuyển đổi một phần sang trồng lạc, ngô vì chịu hạn tốt. Dù rằng nguồn thu không bằng lúa nhưng còn hơn là bỏ đất không canh tác.
Theo UBND xã Bằng Mạc, toàn xã hiện có hơn 200 ha đất trồng lúa thì đều trong tình trạng thiếu nước; trong đó có khoảng 60 ha đang bị hạn hán nghiêm trọng và xác định không thể giao cấy.
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc Hoàng Văn Trung cho hay, do đặc thù địa lý, người dân xã Bằng Mạc chỉ sản xuất một vụ lúa mỗi năm. Do đó, tình hình hạn hán dẫn đến thiếu nước hiện đã ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp. Toàn xã đã có hơn 10 ha diện tích đất lúa người dân bỏ không, không canh tác.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước, xã đã thành lập các tổ tuyên truyền đến người dân để bơm nước tưới tiêu hợp lý, quản lý hiệu quả công trình cấp nước, sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí nước. Về lâu dài, mong muốn chính quyền cấp trên quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương tưới tiêu, khoan các giếng khoan cộng đồng để người dân canh tác dễ ràng.
Huyện Chi Lăng có 7 xã thuộc khu vực núi đá gồm Bằng Mạc, Bằng Hữu, Hòa Bình, Vạn Linh, Thượng Cường, Y Tịch và Gia Lộc. Do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên nên tất cả các địa bàn này đều thường xuyên đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước trong phát triển sản xuất.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, diện tích đất canh tác thiếu nước của 7 xã trên là khoảng 500 ha. Để có nước tưới cho diện tích bị hạn hán, nhiều gia đình đã tự đầu tư tiền mua đường ống để dẫn nước từ các nguồn về đồng ruộng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng Lương Thành Chung cho biết, huyện đã tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; trong đó, nhấn mạnh việc thay đổi thời gian gieo trồng lúa, thay đổi cây trồng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cùng đó, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ để tích nước cho người dân sản xuất nông nghiệp.
Đối với 7 xã thuộc khu vực núi đá, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng dự án Cụm công trình thủy lợi Vạn Linh để phục vụ nước tưới tiêu cho các xã thuộc khu vực núi đá. Đây là giải pháp lâu dài và nếu công trình được đầu tư xây dựng chắc chắn cơ bản sẽ giải quyết nhu cầu nước tưới cho bà con nông dân để sản xuất nông nghiệp.
Trong khi chờ đợi những giải pháp hữu hiệu từ các cơ quan chức năng thì nông dân tại 7 xã khu vực núi đá huyện Chi Lăng vẫn phải gồng mình chống hạn cho cây trồng thêm một thời gian nữa.
Nguyễn Quang Duy