Ngày 24/5, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Trần Quang Năng cho biết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, trong năm 2022, do ảnh hưởng của La Nina (Hài Đồng nữ - là sự xuất hiện lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương) nên nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới. Mưa lớn có thể tập trung nhiều ở những tháng cuối năm; nhiều cơn bão có khả năng có quỹ đạo và cường độ bất thường. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ bám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để đưa ra những bản tin dự báo cảnh báo kịp thời trong thời gian tới.
Thông tin về tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Trưởng phòng Trần Quang Năng cho rằng, từ ngày 25/5, mưa lớn có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, ở vùng núi Bắc Bộ sẽ vẫn còn mưa dông trên diện rộng, cục bộ có những nơi có khả năng mưa to (thời gian mưa sẽ tập trung chiều tối đến đêm). Như vậy, mưa dông vùng núi Bắc Bộ sẽ có thể kéo dài đến cuối tháng 5/2022, đề phòng nguy cơ dông, lốc, sét đặc biệt là nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và vùng núi Bắc Trung Bộ trong thời gian tới.
Đề cập đến tính bất thường so với quy luật của thời tiết trong tháng 5/2022 trong đó nổi bật là việc nắng nóng xuất hiện thưa thớt trong khi mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi, ông Trần Quang Năng phân tích: Trong tháng 5/2022, có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc và đẩy rãnh áp thấp xuống phía Nam gây mưa cho các tỉnh miền Bắc, làm nền nhiệt độ giảm thấp, gây ra mưa nhiều nơi ở khu vực Bắc Bộ. Đợt mưa lớn, diện rộng vừa qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là do rãnh áp thấp bị nén kết hợp với hội tụ gió trên cao. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, thời điểm này đang là thời kỳ bước vào mùa mưa ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, do vậy trong thời gian tháng 6-7/2022, mưa lớn ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ vẫn tiếp diễn.
"Chính quyền các cấp và người dân cần phải tiếp tục đề phòng nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét và lưu ý thời kỳ cao điểm mưa bão đang đến nên phải có những biện pháp chủ động trong ứng phó ngay từ bây giờ", ông Trần Quang Năng nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay đã xảy ra các đợt thiên tai dị thường, trái quy luật như đợt mưa lớn trái mùa ở khu vực Nam Trung Bộ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, ở các khu vực khác cũng xảy ra mưa dông, lốc, sét do bước vào thời kỳ chuyển mùa. Trên biển đã xuất hiện những cơn bão sớm ở khu vực vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, mặc dù không ảnh hưởng đến nước ta nhưng bão cũng đã xuất hiện sớm.
*Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn từ ngày 23-24/5 đã làm nhiều khu vực ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc,... bị ngập úng, giao thông ách tắc nhiều giờ.
Tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, ghi nhận mưa lớn nhất từ đêm 23 đến sáng 24/5 là hơn 130 mm, tiếp theo là quận Hai Bà Trưng hơn 100 mm, các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên đều trên 80 mm.
Đường Ngô Xuân Quảng (trước cổng Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Đường Cổ Linh, Ngọc Lâm, Nam cầu Đuống, phố Đức Giang (quận Long Biên) ...bị ngập nặng, các phương tiện trên nhiều tuyến phố Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng, phải di chuyển chậm, nhiều xe chết máy phải nhờ tới cứu hộ.
Đường gom đại lộ Thăng Long đoạn qua Thiên Đường Bảo Sơn, xã An Khánh, huyện Hoài Đức ngập khoảng 30-40 cm.
Tại thành phố Bắc Ninh, mưa lớn trút xuống từ đêm 23 đến sáng 24/5 vẫn chưa ngớt, tổng lượng hơn 120 mm. Đường Lạc Long Quân đoạn qua cầu chui phường Kinh Bắc ngập sâu nhất, hơn 50 cm.
Tại thành phố Bắc Giang, các tuyến đường: Hoàng Văn Thụ, Ngô Gia Tự (điểm gần tháp đồng hồ), chung cư Quang Minh, điểm giao đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Thị Lưu… vẫn ngập khoảng 40-50 cm.
Tại thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) từ 23 đến sáng 24/5, mưa gần 110 mm. Khu vực quảng trường lớn chìm trong biển nước. Các tuyến đường như Mê Linh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành,... ngập cục bộ.
Trước tình trạng ngập úng, các lực lượng công an, đô thị đã có mặt để điều tiết giao thông và khơi thông cống rãnh, hố ga để nước rút nhanh hơn.
Mưa lớn, sạt lở đất và ngập úng đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại nhiều địa phương.
Cụ thể, tính đến 17 giờ ngày 24/5, mưa lớn, sạt lở đất và ngập úng tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng đã làm 3 người chết (Tuyên Quang 2, Hoà Bình 1), 4 người bị thương (Tuyên Quang); 253 nhà hư hỏng (Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Hòa Bình).
Ngoài ra, mưa lớn làm ngập 9.320 ha lúa, hoa màu (Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội); 64,1ha thủy sản; 862 con gia súc, gia cầm bị chết; ngập cục bộ, sạt lở 24.619 m3 đất đá ở nhiều điểm trên các tuyến Quốc Lộ 2, 279, 4C, 4D, tỉnh lộ 170, 171, 177, 204, 212 và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Tuyến Quốc lộ 4D (Lào Cai) và một số đường giao thông liên xã đi lại khó khăn.
Hiện chính quyền các địa phương bị thiệt hại đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, giúp đỡ người dân trong công tác chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, ngập úng, đồng thời từng bước khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tổ chức thực hiện theo Công văn số 272/VPTT ngày 20/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, trong đó các khu vực trên tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; chủ động sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi sát tình hình dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông để chủ động ứng phó và điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Thắng Trung