Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực phối hợp với ngành Giáo dục chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp ngày càng nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, cơ bản đáp ứng mục tiêu đặt ra trong tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và phục vụ hiệu quả yêu cầu tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc quán triệt thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, các địa phương ban hành Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc tham mưu ban hành Chỉ thị của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy về tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2023 tại tỉnh. Thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 cấp tỉnh để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, chính quyền các cấp phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ thi.
Ban Chỉ đạo Kỳ thi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị của lãnh đạo tỉnh về tổ chức Kỳ thi, công tác tuyển sinh năm 2023 tại địa phương và quy chế thi, quy chế tuyển sinh hiện hành. Các địa phương lưu ý những điểm mới trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, tuyển sinh năm 2023 và một số điểm mới căn bản trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo tỉnh; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức ôn tập cho các đối tượng thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 của các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh.
Đồng thời, các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh tại tỉnh bảo đảm tổ chức thi và tuyển sinh nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn; xây dựng phương án dự phòng để ứng phó, xử lý các tình huống bất thường, nhất là phương án dự phòng cho trường hợp thời tiết cực đoan, khắc nghiệt hoặc phát sinh thiên tai, dịch bệnh.
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo, điều hành công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi bảo đảm chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả; bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh; bố trí các Điểm thi hợp lý, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nghiêm túc, an toàn, tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi và bảo đảm ứng phó kịp thời với các tình huống bất thường, nhất là tình huống thời tiết cực đoan, khắc nghiệt hoặc phát sinh thiên tai, dịch bệnh; tập huấn đầy đủ nghiệp vụ tổ chức thi và thanh tra, kiểm tra thi; quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho các đối tượng tham gia tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý các địa phương chú trọng công tác vận chuyển, bảo quản đề thi; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc; cung cấp điện, nước ổn định; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm tại tất cả các địa điểm diễn ra hoạt động tổ chức Kỳ thi. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được dự thi an toàn, không để thí sinh phải bỏ thi vì khó khăn về kinh tế, điều kiện đi lại hoặc do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong trường hợp dịch bệnh phát sinh.
Các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh tại tỉnh theo đúng nguyên tắc, mọi khâu của Kỳ thi và tuyển sinh đều phải được thanh tra, kiểm tra. Mục tiêu ngăn chặn, phòng ngừa là chính, kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm (nếu có) để bảo đảm tổ chức Kỳ thi, tuyển sinh an toàn, trung thực, không để xảy ra tiêu cực, vi phạm quy chế.
Việt Hà