Thầy và trò tỉnh Lào Cai vượt khó bước vào năm học 2021-2022

Thầy và trò tỉnh Lào Cai vượt khó bước vào năm học 2021-2022

Bước vào năm học 2021-2022, ngành giáo dục Lào Cai không chỉ đối mặt với dịch bệnh diễn biến phức tạp, mà còn ở trong tình trạng thiếu hụt giáo viên trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học. Nhưng bằng sự chuẩn bị kịp thời, hiệu quả với các phương án chi tiết, thầy và trò tỉnh Lào Cai đang nỗ lực phối hợp, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng bắt đầu năm học mới an toàn và ứng phó hiệu quả trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19.

Chủ động phòng, chống dịch COVID-19

Năm học 2021-2022, toàn huyện Bảo Yên có hơn 10.000 học sinh. Đến nay, hầu hết các trường đã cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị cho năm học mới, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngay từ đầu tháng 8, các thầy, cô giáo Trường Trung học Cơ sở Điện Quan đã tích cực vệ sinh khuôn viên trường, lớp đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng và chuẩn bị các thiết bị y tế phòng, chống dịch như nước sát khuẩn tay, khẩu trang, máy đo thân nhiệt... Nhà trường có 324 học sinh với 10 lớp. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Minh Huệ cho biết, theo kế hoạch, cùng với toàn tỉnh, học sinh của trường sẽ tựu trường vào ngày 1/9. Tuy vậy, trường cũng sẵn sàng các phương án khai giảng, dạy và học trực tuyến trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp. Tâm lý của học sinh và phụ huynh cơ bản đều e ngại việc dạy học trực tuyến do địa phương là vùng cao, vùng sâu, đời sống còn nhiều khó khăn, học sinh khó có đủ các phương tiện phục vụ việc học trên mạng. Ngoài ra, đường truyền hay bị lỗi, sóng yếu do địa hình chia cắt phức tạp cũng là một lý do khiến việc học bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ tới việc dạy và học trực tuyến. Do đó, nhà trường đã chuẩn bị phương án thông qua đội ngũ giáo viên phối hợp với cán bộ cơ sở giao bài tận nơi cho học sinh của trường sinh sống ở 12 thôn, bản, nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của những hạn chế trong việc học trực tuyến.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai Dương Bích Nguyệt, Sở quán triệt toàn ngành với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện phòng, chống dịch trước khi đón học sinh tới trường. Các trường thành lập “Tổ hỗ trợ ứng dụng công nghệ” hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh cài đặt, sử dụng Sổ sức khỏe điện tử, Bluezone và các ứng dụng công nghệ khác trong phòng, chống dịch COVID-19.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương sẵn sàng 2 phương án khai giảng trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo phương án 1, nếu không có ca F0 trong cộng đồng, các trường đồng loạt khai giảng trực tiếp vào ngày 5/9. Các trường triển khai thực hiện phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế; chuẩn bị phòng cách ly y tế để xử lý dịch bệnh; lễ khai giảng tổ chức ngắn gọn, chào cờ và các hoạt động tập thể theo đơn vị lớp học; không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài trường học. Riêng học sinh mầm non, lớp 1, lớp 2, có hướng dẫn đặc thù về phòng, chống dịch bệnh cho phụ huynh và các em.

Theo phương án 2, khi có ca F0 xuất hiện trong cộng đồng, các trường không tổ chức Lễ khai giảng mà dành tiết học đầu tiên của ngày 6/9 (thứ Hai) để thông báo, hướng dẫn các hoạt động và quy định của nhà trường, sau đó tổ chức dạy và học bình thường. Đối với địa phương có ca F0 phải thực hiện giãn cách sẽ tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến. Đối với cấp mầm non, không tổ chức học trực tuyến mà hướng dẫn cha mẹ chăm sóc học sinh tại gia đình.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Ngoài những khó khăn nảy sinh trong công tác phòng, chống dịch, vấn đề thiếu giáo viên đang gây nên nhiều khó khăn cho ngành giáo dục Lào Cai.

Theo rà soát, thị xã Sa Pa thiếu 147 giáo viên. Bước vào năm học mới, Trường Tiểu học Sa Pa, thị xã Sa Pa, thiếu một số giáo viên bộ môn. "Khối lớp 1, lớp 2 phải đủ giáo viên đứng lớp theo quy định, đồng thời cũng phải lựa chọn các giáo viên có trình độ chuyên môn tốt nhất để đảm bảo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, nhà trường đang rất khó khăn trong việc bố trí giáo viên", thầy giáo Dương Xuân Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Pa cho biết.

Trường Mầm non thôn Ngải Thầu, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, năm học này nhận nuôi dạy gần 400 trẻ. Với số trẻ này, theo quy định, trường phải có 24 giáo viên. Tuy nhiên, hiện trường chỉ có 18 giáo viên. Nếu như ở vùng thấp, hai cô giáo phụ trách một lớp từ 20-25 cháu thì ở đây, với số giáo viên hiện tại, trung bình mỗi cô sẽ phải phụ trách tới 25 cháu. Bà Trần Thị Vân, Hiệu trưởng trường Mầm non, Tiểu học Dền Thàng cho biết, để khắc phục việc thiếu giáo viên, trường động viên giáo viên có kế hoạch nghỉ chế độ hợp lý; gặp gỡ với những thầy, cô giáo có nhu cầu đăng kí chuyển công tác, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, động viên các thầy cô tiếp tục công tác, chia sẻ khó khăn trước mắt với nhà trường.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, Lào Cai có 612 trường, 8.242 lớp với 227.749 học sinh, trong đó tuyển mới hơn 17.400 học sinh lớp 1. Năm học này, số giáo viên các cấp học còn thiếu theo định mức là 792 giáo viên. Tỉnh Lào Cai có kế hoạch tuyển dụng 569 viên chức sự nghiệp giáo dục, giúp ngành giáo dục tăng cường hơn về số lượng. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại do diễn biến của dịch COVID-19 nên tỉnh chưa thể tổ chức tuyển dụng.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngày 4/8/2021, UBND tỉnh đã có văn bản số 3599/UBND-NC về việc hợp đồng giáo viên trong khi chờ tuyển dụng. Công văn nêu rõ: Để đáp ứng giáo viên dạy học trong thời gian chờ tuyển dụng, UBND tỉnh Lào Cai đồng ý để Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố được hợp đồng giáo viên theo quy định.

Còn đối với các bộ môn mà nguồn tuyển số giáo viên rất khó như Tiếng Anh, Tin học, để tạm thời khắc phục trở ngại này, ngành giáo dục Lào Cai đã yêu cầu các trường học sử dụng hợp lý, cân đối đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện có; tiếp tục tăng cường, biệt phái và thực hiện hiệu quả phong trào “Trường giúp trường”, “Phòng giúp phòng” “Giáo viên giúp đỡ giáo viên". Các trường phân công đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tối đa số tiết thực dạy, không phân công nhiệm vụ kiêm nhiệm; thực hiện chế độ hợp đồng đối với giáo viên Tiếng Anh người nước ngoài. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh đào tạo giáo viên học văn bằng 2 (Ngoại ngữ, Tin học) và đặt hàng đào tạo giáo viên Tiếng Anh, Tin học để tuyển dụng giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm