Điểm trường Hò Lù tại xã Khánh Xuân (Bảo Lạc, Cao Bằng) Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Hò Lù vẫn lắm gian truân
Cách trung tâm xã Xuân Trường hơn 5 km, nhưng để lên đến Hò Lù các thầy cô giáo phải đi bộ hơn hai tiếng đồng hồ, vượt qua con đường lởm chởm đá, dốc quanh co. Con đường đó đã in dấu chân của cô giáo Mông Thị Tiệp bao tháng ngày lên non vận động học sinh ra lớp. Khi đặt vấn đề, chúng tôi muốn lên Hò Lù, cô giáo Tiệp nhận lời ngay và hỏi đi hỏi lại “Các bạn có đi bộ lên núi được không?”.
Trên đường lên Hò Lù, chúng tôi ngỏ ý viết về hành trình đưa con chữ lên Hò Lù của cô Tiệp, cô bảo: Cô sắp nghỉ hưu rồi. Hãy viết về các thầy giáo, cô giáo cắm bản ở Hò Lù đã gần 10 năm nay – những người đã dành cả thanh xuân để gieo chữ, họ mới là những người cần động viên, chia sẻ nhiều nhất.
Dọc đường lên núi, cô Tiệp kể, trước khi về làm Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc), cô Tiệp đã từng có thời gian lên vận động học sinh ra lớp và dạy học ở Hò Lù. Cô giáo cho biết, cuộc sống của đồng bào Dao ở Hò Lù rất khó khăn. Ở đây thiếu nước, thiếu điện và thiếu luôn cả cái cái ăn, cái mặc. Những hủ tục lạc hậu vẫn đeo bám người dân nơi đây. Thanh niên ở xóm này lấy vợ, lấy chồng từ 13, 14 tuổi, rất ít người đi học nên cái nghèo, cái đói vẫn đeo đẳng họ từ năm nay qua năm khác.
Trên đỉnh Hò Lù, những nếp nhà gỗ nằm vắt ngang ngọn núi, khép nép như người dân nơi đây khi nhìn thấy có người lạ. Cô Tiệp dẫn chúng tôi đến nhà trưởng xóm Hò Lù Chào Vần Quẩy. Anh Quẩy cho biết, xóm có 31 hộ dân với trên 200 nhân khẩu, 100% là dân tộc Dao. Trước đây, người dân không biết chữ nên làm việc gì cũng khó. Khi các thầy cô giáo đem cái chữ về, một số người biết đọc, biết viết và biết được những điều hay lẽ phải, các tập tục lạc hậudần được xóa bỏ. Hò Lù chưa có điều kiện để phát triển về kinh tế nhưng người dân đã biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cho cây ngô, cây lạc. Khi có người bị ốm, họ đã đưa xuống bệnh viện để uống thuốc chữa bệnh chứ không mời thầy về cúng như trước đây...
Thầy giáo Hoàng Văn Duy hướng dẫn học sinh viết bài tại điểm trường Hò Lù, xã Khánh Xuân (Bảo Lạc, Cao Bằng). Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Những lần đi vận động học sinh ra lớp, cô Tiệp đã đến từng nhà ở Hò Lù, Lũng Quẩy, Lũng Chàm để gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh, để nghe những tâm tư của đồng bào. Cô chia sẻ, để đi bộ đến các hộ dân, các thầy cô giáo phải băng qua mấy ngọn đồi, trên con đường lởm chớm đá tai mèo. Có những lần đi cả buổi sáng mới đến được nhà một em học sinh. Chỉ có yêu nghề lắm các thầy cô giáo mới vượt qua những gian nan vất vả để mang cái chữ cho đồng bào nơi đây. Chỉ mong thêm một người biết chữ, rồi nhiều người biết chữ, cái nghèo, cái đói, những hủ tục lạc hậu nơi đây sẽ dần được xóa bỏ.
Đến nhà anh Chào Quầy Ú (người dân xóm Hò Lù), vừa gặp cô Tiệp, anh Ú tay bắt mặt mừng “Lâu lắm rồi, cô giáo chưa lên thăm bản”. Trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, anh Ú vẫn đau đáu, khi con gái năm nay học xong lớp 9 nhưng gia đình không có điều kiện cho em xuống thị trấn để học tiếp. Ánh mắt cô Tiệp phảng phất một nét buồn. Sau nhiều năm, cái đói cái nghèo vẫn đeo bám người dân nơi đây, những đứa trẻ vẫn cứ lớn lên và quay vào guồng sống thiếu thốn. Dù biết, để cái “đuổi” cái nghèo, cái khó cần sự chung tay của các cấp, chính quyền. Cô giáo Mông Thị Tiệp vẫn mong muốn anh Ú và người dân ở đây cố gắng cho con em họ được đi học. Cô nhấn mạnh “Chỉ có học, có sự hiểu biết, cuộc sống mới có thể thay đổi”.
Những thầy cô giáo trẻ ở Hò Lù
Cũng với mong muốn, mang chữ lên non để mong một ngày cuộc sống của người dân Hò Lù sẽ thay đổi, thầy giáo Hoàng Văn Duy (sinh năm 1992) đã tám năm kể từ ngày ra trường gắn bó với người dân, dạy học cho con em đồng bào Dao nơi đây.
Thầy Duy kể, năm vừa rồi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng tặng trường một téc nước để đựng nước mưa nên thầy cùng các các đồng nghiệp không phải đi gánh nước nữa. Cách đây 5 năm, lúc mới lên, vào mùa khô hạn lâu ngày, thầy phải đi hứng từng giọt nước ở khe núi, hốc đá để có nước sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Gặp được hôm trời mưa, thầy sẽ tận dụng mọi vật dụng để hứng nước. Thầy Duy bảo “Ở Hò Lù, mùa khô hạn bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 12 hàng năm nên nước là thứ quý nhất”. Trong căn phòng của thầy Duy, những chiếc điện thoại đen trắng được treo lên ở vách tường. Thầy Duy chia sẻ, điện thoại phải treo đúng chỗ đấy mới “hứng” được sóng. Chúng em lên đây cả tuần nên treo điện thoại lên, nếu gia đình có việc đột xuất gọi mới liên lạc được.
Xóm Hò Lù tại xã Khánh Xuân (Bảo Lạc, Cao Bằng). Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN |
Năm học 2019 - 2020, thầy Duy dạy lớp ghép 2-5 (học sinh lớp 2 và lớp 5 chung một phòng học). Nếu như dạy lớp 5, học sinh đã có những kiến thức cơ bản, đối với học sinh lớp 2, thầy giáo phải dạy những kỹ năng cơ bản về tính toán, làm văn, chính tả nên thầy giáo vất vả trong truyền đạt cũng như sử dụng phương pháp dạy học ở lớp ghép.
Người thầy giáo trẻ đó vẫn đang từng ngày miệt mài gieo mầm chữ cho các em học sinh ở Hò Lù. Khi được hỏi: “Duy có ý định xin về vùng đồng dạy học không?”, Thầy Duy trả lời mộc mạc: “Em ở đây thêm mấy năm nữa, em vẫn còn trẻ, chưa lập gia đình, đi xa một chút cũng đỡ hơn các cô đã lớn tuổi”.
Cùng với thầy Duy, điểm trường Hò Lù còn có thêm 6 giáo viên Tiểu học và hai giáo viên Mầm non. Cô giáo mầm non Lãnh Thị Thiết chia sẻ thêm, chị đã dạy học ở Hò Lù được 5 năm. Cái khó nhất là các cháu mầm non chưa biết tiếng Việt, các cô giáo mầm non vừa dạy chữ, vừa dạy các em em nói tiếng Việt.
Học sinh ở đây ba tuổi đã tự vượt núi đi học nên nhiều gia đình có phần lo ngại. Nhiều học sinh lớp 5 tuổi cũng không thể ra lớp vì các em phải đi bộ hơn 30 phút mới đến trường học. Một số em bố mẹ bắt ở nhà để phụ giúp gia đình trồng ngô, chăn bò nên các thầy cô giáo trên Hò Lù vẫn thường xuyên phối hợp với chính quyền các xóm tăng cường xuống bản để vận động học sinh ra lớp.
Hình ảnh những giáo viên hàng tuần đi bộ hơn hai tiếng đồng hồ để mang tri thức lên núi đã trở nên gần gũi với đồng bào Dao ở Hò Lù. Đó những hình ảnh đẹp nhất về các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa.
Chu Hiệu