Quần thể tháp Po Klong Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Theo các nhà nghiên cứu, quần thể tháp Po Klong Garai có nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo còn tồn tại tương đối nguyên vẹn thuộc loại đẹp nhất của các đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay. Tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV để thờ vua Po Klong Garai (1151 – 1205), vị vua có nhiều công trạng trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi phát triển nông nghiệp ở địa phương, được đồng bào Chăm nhớ ơn, thờ phụng hàng trăm năm nay.
Tháp Po Klong Garai cách Quốc lộ 27 khoảng 300 mét. Đây là một quần thể 3 tháp, gồm tháp Cổng (dài 5,10 mét, rộng 4,85 mét, cao 5,65 mét), tháp Lửa (dài 8,18 mét, rộng 5 mét, cao 9,31 mét) và tháp Chính (dài 13,8 mét, rộng 10,71 mét, cao 20,5 mét). Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tháp Pô Klong Garai vẫn giữ được đường nét tinh tế, sắc sảo, với màu gạch nung đỏ sẫm và kết dính với nhau bằng một kỹ thuật xây dựng đặc biệt, đến nay vẫn chưa được giải mã.
Dõi mắt nhìn theo những họa tiết nhỏ trên tháp, anh Trần Đình Thức, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Trải qua hàng trăm năm mà các tháp Po Klong Garai vẫn còn nguyên vẹn, đứng sừng sững giữa đất trời như thách thức gió mưa, nắng nóng, thật sự rất khâm phục nghệ thuật xây dựng của người xưa. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè đến đây chiêm ngưỡng, tìm hiểu phong cách nghệ thuật kiến trúc của tháp và văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Chăm Ninh Thuận.
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại tháp Po Klong Garai. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Hàng năm, tại tháp Po Klong Garai diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng của đồng bào Chăm. Đến tháp Po Klong Garai vào các dịp lễ lớn như lễ đầu năm, lễ cầu mưa, đặc biệt là lễ hội Ka tê, du khách sẽ được hòa mình vào không khí tưng bừng, nhộn nhịp của các nghi thức lễ hội. Ngoài ra, các du khách còn được chứng kiến chung quanh tháp hàng trăm mâm lễ vật hoa quả, bánh trái, thịt gà, dê, rượu, trầu cau của các gia đình đồng bào Chăm dâng cúng các vị thần linh cầu mong hạnh phúc, mùa màng bội thu.
Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Ninh Thuận cho biết: Để phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt được công nhận vào năm 2016 này, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các dự án phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời, xây dựng nhiều chương trình du lịch văn hóa hấp dẫn diễn ra tại tháp để thu hút du khách tới tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về giá trị di sản, qua đó giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm.
Nhằm tạo điểm nhấn cho tour tham quan di tích, đơn vị mời các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đến tháp Po Klong Garai trình diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm cho du khách xem và trải nghiệm thực tế. Các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, lễ tết tại tháp đều tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm phục vụ du khách. Đến thăm tháp, du khách có thể được mượn một số trang phục của đồng bào Chăm để chụp ảnh lưu niệm; được hướng dẫn viên thuyết minh miễn phí bằng ngôn ngữ Việt – Anh.
Ông Nguyễn Văn Linh cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, khách du lịch đến tháp Po Klong Garai đạt trên 100.000 lượt. Dự kiến lượng khách tới tháp vào dịp lễ hội Ka tê (trong vòng 3 ngày đầu tháng 7 lịch Chăm nhằm vào ngày 27, 28, 29 của tháng 9 Dương lịch) sẽ tăng đột biến, đơn vị đã lên phương án tiếp đón, gấp rút tu sửa các công trình phụ trợ, nâng cấp sân, khuôn viên cây xanh, đường lên tháp, hướng dẫn thông tin. Đồng thời, đơn vị kiểm tra, sắp xếp các hiện vật tại phòng trưng bày văn hóa Chăm, bố trí khu trưng bày sản phẩm lưu niệm hợp lý.
Thời gian tới, Ban Quản lý di tích tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, các vị chức sắc trong cộng đồng người Chăm xây dựng kế hoạch bảo tồn, khai thác giá trị di tích tháp Po Klong Garai theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, Ban Quản lý tăng cường quảng bá hình ảnh di tích, liên kết các công ty du lịch, nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa mới hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tới tham quan di tích tháp Po Klong Garai để tìm hiểu giá trị di sản.
Nguyễn Thành
TTXVN