Tháo gỡ vướng mắc đảm bảo tốt chế độ, chính sách bảo hiểm y tế cho người tham gia

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, tỉnh Sơn La, khám bệnh cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, tỉnh Sơn La, khám bệnh cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Với quan điểm luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế lên hàng đầu, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động, kịp thời đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… tạo thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế.

Tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cung ứng thuốc, kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tăng cường phối hợp với ngành Y tế tập trung khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; xử lý các vấn đề vướng mắc, đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng quy định. Đơn cử như, ngay từ khi dịch COVID-19 lắng xuống, xác định tình trạng thiếu thuốc có thể xảy ra, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động có các văn bản gửi Bộ Y tế, chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố về việc đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kịp thời tham mưu, phối hợp với Bộ Y tế báo cáo trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; góp ý kiến vào Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc “tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024”… nhằm bảo đảm cung ứng thuốc, kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phục vụ người bệnh.

Tháo gỡ vướng mắc đảm bảo tốt chế độ, chính sách bảo hiểm y tế cho người tham gia ảnh 1Hết năm 2022, toàn tỉnh Lai Châu có 432.266 người dân tham gia bảo hiểm y tế, đạt 82,1% tỷ lệ bao phủ và bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 7.537 người. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Mặt khác, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành nhiều văn bản quán triệt, chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế kịp thời hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành công văn yêu cầu Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế địa phương, đề xuất với UBND tỉnh quyết định mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương cho phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, có ý kiến kịp thời với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh, tránh tình trạng chậm tổ chức đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ người bệnh…

Theo đó, tại nhiều tỉnh, cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện mua bổ sung thuốc bằng các hình thức đấu thầu khác như: chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, mua bổ sung 20%, điều tiết thuốc, tổ chức đấu thầu bổ sung các mặt hàng trượt thầu…. Nhờ vậy, tình trạng thiếu thuốc đã cơ bản khắc phục được, đảm bảo quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thành lập các Đoàn Công tác do Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn làm việc với 63 Bảo hiểm Xã hội tỉnh, thành phố, trong đó có nội dung tháo gỡ vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thực hiện chỉ đạo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh đã thực hiện quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí quý sau, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động.

Trong năm 2023, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố thanh toán toàn bộ số tiền Thủ tướng đã phê duyệt cho các cơ sở khám, chữa bệnh và quyết toán số chi vượt dự toán trong các năm 2018, 2019, 2020 vào quyết toán tài chính năm 2022 với tổng số tiền là 1.977 tỷ đồng.

Tháo gỡ vướng mắc đảm bảo tốt chế độ, chính sách bảo hiểm y tế cho người tham gia ảnh 2Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, tỉnh Sơn La, khám bệnh cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Với sự chủ động, nỗ lực đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cơ bản được giải quyết, phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh và đảm bảo tốt quyền lợi bảo hiểm y tế cho người tham gia theo luật định.

Người dân được hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm y tế

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế và các nước trong khu vực ASEAN.

Danh mục thuốc bảo hiểm y tế sử dụng tại Việt Nam có 1.037 thuốc hóa dược, sinh phẩm, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, 349 vị thuốc y học cổ truyền. Việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám, chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn sử dụng thuốc cho phù hợp.

Về cơ bản, hiện tại Danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã bao phủ đầy đủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa, các hạng bệnh viện và các chuyên ngành, các lĩnh vực điều trị.

Nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, hiện Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó, chú trọng việc mở rộng Danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được chăm sóc tốt hơn nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Tháo gỡ vướng mắc đảm bảo tốt chế độ, chính sách bảo hiểm y tế cho người tham gia ảnh 3Xác định bảo hiểm y tế là chính sách lớn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ngành bảo hiểm xã hội Lai Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng hộ gia đình. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế; thủ tục trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng cải cách, đơn giản, tiết kiệm thời gian cho người tham gia. Đặc biệt, với việc cải cách như: sử dụng thẻ căn cước công dân, hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thay cho thẻ giấy; ứng dụng sinh trắc học tại cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế… đã và đang được người dân, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hưởng ứng, đánh giá cao.

Với những tiện ích, lợi ích được hưởng từ chính sách bảo hiểm y tế, hầu hết người dân đều tích cực, chủ động tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau luôn cao hơn năm trước, tăng từ 91,01% dân số (năm 2021) lên 92,04% (năm 2022) và 92,4% (9 tháng năm 2023).

Theo thống kê, thực tế có khoảng 60 -70% người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh; tần suất khám, chữa bệnh của người dân từ 2 - 2,1 lần/năm. Theo đó, số người hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Tính hết tháng 9/2023, cả nước đã có trên 127,47 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán là hơn 88,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Vân Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm