Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Ngày 4/5, trao đổi với phóng viên TTXVN, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn Du lịch Hoàng Nhân Chính nêu rõ: Chính phủ đã thực sự quan tâm đến ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hội đồng tư vấn du lịch. Nhờ có sự quan tâm này, Chính phủ đã có giải pháp kịp thời nhằm gỡ những vướng mắc về vấn đề visa cho khách 5 thị trường nghỉ dài ngày, chi tiêu cao của du lịch nước nhà. Hội đồng tư vấn du lịch đã đề cập đến vấn đề này từ tháng 3/2018 với nhiều vấn đề liên quan đến chính sách visa nhưng đây là việc là cần thiết nhất đã được Chính phủ đã kịp thời giải quyết. Ông Hoàng Nhân Chính cũng cho biết: Hội đồng tư vấn du lịch rất vui mừng vì Chính phủ đã giao cụ thể cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu về việc thí điểm visa điện tử và thay đổi Luật Xuất nhập cảnh. Hội đồng nhận thấy có hai vấn đề thực sự chưa tạo thuận lợi cho ngành Du lịch trong Luật Xuất nhập cảnh. Đó là việc thời hạn miễn visa chỉ cho phép 15 ngày. Đây là điều không ổn bởi khách từ thị trường xa đến lưu trú thường nhiều hơn 15 ngày, do đó chính sách miễn visa chưa phát huy được hết hiệu quả. Thứ 2 là Luật quy định khách miễn visa sau khi xuất cảnh, sau 30 ngày mới lại được nhập cảnh trở lại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề cần điều chỉnh. Thới gian tới, Hội đồng tư vấn du lịch tiếp tục có ý kiến tham vấn, khuyến nghị với Chính phủ về cải cách chính sách visa. Bởi chính sách visa có nhiều vấn đề gồm visa điện tử, visa cửa khẩu, visa quá cảnh, miễn visa… Trong đó, miễn thị thực là chính sách ưu việt nhất trong các chính sách về visa, không thể bị thay thế bởi bất cứ chính sách nào khác, mà cần được áp dụng song song với các chính sách khác để tạo ra tổng thể về visa tạo thuận lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đón khách từ 5 thị trường Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy) cho rằng: Từ ngày 1/7/2015, khi chính sách miễn thị thực có hiệu lực 1 năm cho công dân 5 nước nêu trên ra đời, ngành Du lịch Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng cao (trung bình 20%) đối với dòng khách đến từ 5 quốc gia này. Nhưng thời hạn 1 năm cho khách 5 nước Tây Âu thực sự chưa hợp lý, chưa khai thác hết được hiệu quả của chính sách trong quảng bá, thu hút khách quốc tế đến nước ta. Do đó, việc điều chỉnh kịp thời hiệu lực của chính sách miễn visa như hiện nay lên 3 năm sẽ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào các hoạt động xúc tiến ở thị trường trọng điểm. Ông Lê Công Năng, Trưởng Phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty Vietrantour Lê Công Năng cho biết: Việc quy định thời gian lưu trú trong diện miễn thị thực không quá 15 ngày rất cần được xem thay đổi cho phù hợp tình hình thực tế. Bởi lẽ, khách quốc tế, nhất là khách Tây Âu đến Việt Nam thường nhiều hơn 15 ngày. Việc quy định miễn visa 15 ngày vô tình làm thay đổi xu hướng đặt tour của du khách quốc tế. Hầu hết các tour xuyên Việt, khám phá di sản, cảnh quan do Vietrantour mở bán đều có độ dài từ 17 – 18 ngày. Để phù hợp quy định miễn visa không quá 15 ngày, Công ty đã phải nghiên cứu và phát triển sản phẩm ngắn ngày và điều chỉnh lịch trình khám phá các điểm được công nhận di sản thế giới của Việt Nam gói gọn trong 14 ngày nhằm đảm bảo sức khỏe và đáp ứng yêu cầu của du khách. Vietrantour ghi nhận có 40% nhu cầu khách đặt tour trên 15 ngày chuyển sang đặt tour ngắn dưới 15 ngày. Với mức chi tiêu trung bình 87USD/khách thuộc 5 quốc gia Tây Âu/ngày, tổng chi tiêu trung bình đạt khoảng 1.300USD trong 15 ngày tour, xu hướng cắt ngắn tour sẽ làm sụt giảm doanh thu của các doanh nghiệp nói riêng và ngành Du lịch nói chung.
Thanh Giang