Bệnh nhân uống Methadone tại Trạm y tế xã Mường Pồn, huyện Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Năm 2011, tỉnh Điện Biên bắt đầu triển khai xây dựng và mở rộng cơ sở cấp phát thuốc Methadone, song đến nay mới chỉ có 29/131 xã, phường, thị trấn có cơ sở cấp phát thuốc. Trong đó, huyện Nậm Pồ chưa có cơ sở điều trị, cấp phát Methadone; huyện Điện Biên Đông mới chỉ có một cơ sở. Huyện Tủa Chùa mới có một cơ sở điều trị chưa có cơ sở cấp phát. Một số huyện có chưa đến một nửa số xã có cơ sở cấp phát Methadone. Ở những xã có cơ sở cấp phát thuốc Methadone, người nghiện ma túy cũng gặp không ít khó khăn. Tiêu biểu như ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, có nhiều bản cách xa điểm cấp phát thuốc Methadone ở Trạm Y tế xã Mường Pồn trên 20 km như: Huổi Chan, Huổi Un, Pá Trả. Vào mùa mưa, đường đi lầy lội khiến cho việc đi lại khó khăn, nhiều người khi đến nơi đã quá giờ uống thuốc lại phải quay về nhà hoặc ở lại chờ đến ngày mai. Hai năm qua, hằng ngày, anh Chá A Mua mất 2 giờ đồng hồ để đi quãng đường hơn 15 km từ bản Huổi Chan đến cơ sở cấp phát thuốc Methadone ở Trạm Y tế Mường Pồn. Anh Mua chia sẻ: Khoảng cách từ nhà anh đến trạm y tế khá xa, cho nên để xuống Trạm Y tế uống Methadone, mỗi ngày anh đều thức dậy từ sớm. Có những ngày trời mưa, đường lầy lội, xe máy không đi được, anh phải đi bộ. Sau khi uống xong, khi về đến nhà đã hơn 10 giờ, công việc ruộng nương dồn lại đến chiều mới làm được. Vất vả là vậy, nhưng không uống không được, uống thuốc phải mất thời gian, công sức đi lại.
Bệnh nhân uống Methadone tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Y sĩ Quàng Thị Dung, Trạm Y tế xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết: Trạm Y tế xã hiện cấp phát thuốc Methadone cho 18 người nghiện ma túy. Số người uống ít nhưng thời gian uống lại không đều theo từng ngày. Một số người do ở các bản xa nên khi đến Trạm Y tế đã vào buổi trưa, nhân viên y tế phải ngồi đợi. Trước đây, nhiều người đã đăng ký uống Methadone nhưng sau thời gian ngắn đã ngừng uống và ít lâu sau mới trở lại uống. Điều này khiến nhân viên y tế khó khăn trong việc quản lý bệnh nhân đến uống. Ông Vũ Hải Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên cho hay: Theo quy trình điều trị Methadone, những người tham gia uống Methadone có khoảng cách từ nhà đến cơ sở điều trị là từ 5 đến 7 km đường bình thường. Tuy nhiên ở Điện Biên, nhiều xã vùng sâu vùng xa, hệ thống giao thông rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa nhiều người nghiện ma túy không thể xuống được nơi cấp phát thuốc do bị cô lập. Bên cạnh đó, Methadone chủ yếu điều trị cho các trường hợp nghiện các chất dạng thuốc phiện, nhưng hiện nay nhiều người nghiện sử dụng nhiều loại ma túy, không tuân thủ việc đi điều trị Methadone. Theo ông Vũ Hải Hùng, việc xây dựng cơ sở để điều trị Methadone ở tỉnh Điện Biên rất khó khăn. Một số huyện được triển khai điều trị Methadone ngay từ những ngày đầu nhưng đến nay số người tham gia điều trị rất ít. Một vài trường hợp tham gia điều trị một thời gian lại bỏ, có trường hợp bỏ rồi lại quay trở lại điều trị, việc này khiến cho các cơ sở điều trị, cấp phát Methadone gặp khó khăn trong quản lý người bệnh và chủ động liều lượng thuốc khi cần. Bên cạnh đó, một số địa bàn có số người nghiện lên đến trên 100 người nhưng số người điều trị theo phương pháp này lại chỉ chưa đến 10 người. Nguyên nhân còn ít người đến cơ sở điều trị Methadone là do việc tuyên truyền, vận động vẫn còn yếu và nhận thức của người dân về việc điều trị thuốc Methadone vẫn chưa cao. Trong thời gian tới, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên sẽ tăng cường nâng cao chất lượng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục đưa các bác sĩ, dược sĩ, tư vấn giám sát hỗ trợ kỹ thuật xuống cơ sở để tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone ở vùng sâu vùng xa. Đồng thời, đơn vị mở rộng việc tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ tác dụng của Methadone trong việc điều trị cai nghiện. Với tổng số hơn 9.000 người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên, con số 2.700 trường hợp đang điều trị Methadone còn quá khiêm tốn. Tuy nhiên, việc điều trị bằng Methadone đòi hỏi phải thường xuyên và lâu dài trong khi khoảng cách địa lý chính là "rào cản" khiến người nghiện khó duy trì việc đến các cơ sở y tế điều trị bằng bằng Methadone. Do đó, việc cấp thuốc phủ khắp các trạm y tế xã, tổ chức các điểm uống thuốc lưu động tại các xã là rất cần thiết để giúp người nghiện thuận lợi hơn trong tiếp cận với Methadone, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị cho người nghiện ma túy.
Văn Dũng – Xuân Tư