Tháo gỡ các vướng mắc cho 600 hộ dân cư trú tại vùng giáp ranh Đắk Nông – Lâm Đồng

Tháo gỡ các vướng mắc cho 600 hộ dân cư trú tại vùng giáp ranh Đắk Nông – Lâm Đồng

Ủy ban nhân dân huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan của tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) để giải quyết tình trạng 600 hộ dân có hộ khẩu thường trú tại huyện Đam Rông, nhưng sinh sống, canh tác trên địa giới hành chính huyện Đắk G’long. Đáng chú ý hơn, các hộ dân sinh sống, canh tác tại khu vực này đã gần 30 năm.

Tháo gỡ các vướng mắc cho 600 hộ dân cư trú tại vùng giáp ranh Đắk Nông – Lâm Đồng ảnh 1Khu vực 600 hộ dân huyện Đam Rông đang xâm canh trên địa giới hành chính thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông

600 hộ dân hộ khẩu tỉnh này, sinh sống, canh tác tỉnh khác

Theo UBND huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông, nhiều năm nay, có 600 hộ dân thuộc 2 xã Đạ K'Nàng và Phi Liêng, huyện Đam Rông sinh sống, canh tác tại trên phần đất thuộc địa giới hành chính của xã Đắk Som, huyện Đắk G’long.

Khu vực các hộ dân sinh sống, canh tác dù là vùng giáp ranh của 2 huyện nhưng cách trung tâm xã Đắk Som (huyện Đắk G’long) khoảng 120km. Ngược lại, khoảng cách tới trung tâm xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông chỉ khoảng 3 km. Hiện 600 hộ dân đang có hơn 2.700 nhân khẩu.

Theo UBND huyện Đắk G’long và UBND huyện Đam Rông, đa số các hộ dân đang sinh sống và canh tác là người dân tộc Dao di cư từ các tỉnh phía Bắc (như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn… ) từ khoảng những năm 1995. Bên cạnh đó là một số hộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ (Cơ ho) di cư từ huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) vào lập nghiệp từ trước năm 1990.

Ngành chức năng huyện Đắk G’Long và huyện Đam Rông cũng xác định, cộng đồng dân cư này được hình thành, sinh sống và canh tác ổn định trước khi Vườn Quốc gia Tà Đùng (tiền thân là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng, được thành lập vào năm 2003).

Thời gian qua, Công an huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn việc đăng ký thường trú, tạm trú cho các hộ dân, cũng như kiểm tra công tác đăng ký, quản lý cư trú, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 600 hộ dân sinh sống.

Liên quan tới hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, những năm qua, UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại khu vực này.

Hiện nay, 100% hộ dân tại đây được sử dụng điện lưới quốc gia. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng 2 điểm trường, gồm 1 điểm trường Mầm non và 1 điểm trường Tiểu học; 2 hội trường thôn; 5 công trình, đường giao thông… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, trao đổi hàng hóa, ổn định cuộc sống.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện Đam Rông cũng đã đã chỉ đạo tăng cường quản lý xã hội, nắm bắt tình hình nhân dân; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, tài nguyên, môi trường để người dân đang sinh sống và canh tác tại khu vực thuộc địa giới hành chính xã Đắk Som, huyện Đắk G’long biết và thực hiện.

Ngành chức năng huyện Đam Rông cũng vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các ngành chức năng của huyện cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: đăng ký, quản lý cư trú; kiểm tra, giám sát kịp thời xử lý các vụ việc liên quan đến đất đai, tài nguyên; và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng làm đất sản xuất…

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tại đây tiếp tục có bước phát triển, an ninh trật tự, an toàn xã hội tương đối ổn định. Tuy nhiên, thực trạng các hộ dân hộ khẩu tỉnh Lâm Đồng nhưng cư trú trên địa giới hành chính tỉnh Đắk Nông cũng gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính, tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự.

Hiện nay, việc xác nhận nhà đất ở hợp pháp; xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật; giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai; gây rối trật tự công cộng, hay các vấn đề liên quan tới xác nhận nhân khẩu, hộ khẩu đều đòi hỏi phải có sự phối hợp của chính quyền xã Đắk Som và ngành chức năng huyện Đắk G’long. Trong khi, khoảng cách từ UBND xã Đắk Som tới khu vực các hộ dân khoảng 120km, đường sá đi lại rất khó khăn. Khoảng cách tới trung tâm huyện Đắk G’long còn xa hơn, khoảng 140km.

Thêm nữa, việc hàng trăm hộ dân sinh sống, canh tác ổn định. Trong đó, có nhiều hộ đã xây dựng nhà cửa kiên cố, phát triển kinh tế ổn định nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dễ tiềm ẩn nhiều tranh chấp phức tạp sau này.

Tập trung giải quyết vấn đề đất đai, tạo thuận lợi cho người dân

Trước mắt, để thuận tiện trong công tác quản lý hành chính và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực này, UBND huyện Đắk G’long đề nghị Sở Nội vụ Đắk Nông đề xuất với UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng để xem xét có cơ chế đặc thù đối với các hộ dân sinh sống tại khu vực xâm canh thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk G’long.

Trong đó, trọng tâm là đề xuất tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo huyện Đam Rông thực hiện việc quản lý hành chính, quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội cho 600 hộ dân.

Đối với diện tích đất mà người dân xã Đạ K’Nàng và xã Phi Liêng đang sinh sống, canh tác, sau khi có Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông (Quyết định số 1339/QĐ-UBND, ngày 16/10/2023 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc thu hồi đất và rừng của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi 1.719ha đất của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng để giao về cho UBND huyện Đắk G’Long quản lý), Ủy ban nhân dân huyện Đắk G’long đang xem xét, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền quy hoạch lại cho phù hợp, trước khi tiến hành các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đủ điều kiện.

Tại báo cáo số 339/BC-UBND, ngày 26/7/2023 về tình hình dân cư xã Đạ K’Nàng và xã Phi Liêng, huyện Đam Rông đang sinh sống và canh tác tại khu vực xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất Sở Nội vụ Lâm Đồng tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quy chế phối hợp chung.

Trong đó, trọng tâm là chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; kiểm tra, giám sát kịp thời xử lý các vụ việc liên quan đến đất đai, tài nguyên và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng làm đất sản xuất.

UBND huyện Đam Rông cũng đề nghị Sở Nội vụ Lâm Đồng tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng dề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét đưa diện tích đất các hộ dân đang sinh sống, canh tác tại xã Đắk Som, huyện Đắk G’long giáp ranh với xã Đạ K’Nàng và xã Phi Liêng huyện Đam Rông vào quy hoạch đất ở, đất nông nghiệp, tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm canh tác, ổn định đời sống và phát triển kinh tế. Đây đều là diện tích đất đã được người dân canh tác ổn định từ những năm 1990 – 1995.

UBND huyện Đam Rông cũng đề nghị các ngành chức năng 2 tỉnh đồng ý cho các hộ dân tiếp tục được sử dụng thông tin cá nhân như (sổ hộ khẩu, căn cước công dân) đã đăng ký tại xã Đạ K’Nàng và xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng để thuận tiện giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương và việc học tập của học sinh tại khu vực trên.

Theo Sở Nội vụ Đắk Nông, sau khi tỉnh Đắk Nông được thành lập theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội trên cơ sở chia tách tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh là Đắk Nông và Đắk Lắk thì ranh giới giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Lâm Đồng được giữ nguyên như ranh giới cũ giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng.

Kế đó, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng xác định đường địa giới hành chính giữa 2 tỉnh ngoài thực địa, tiến hành xây dựng hoàn thành bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp của 2 tỉnh theo quy định. Từ đó đến nay, đường địa giới hành chính  giữa 2 tỉnh được xác định rõ ràng, trong quá trình quản lý các địa phương giữa 2 tỉnh không xảy ra tranh chấp địa giới hành chính.

Tháo gỡ các vướng mắc cho 600 hộ dân cư trú tại vùng giáp ranh Đắk Nông – Lâm Đồng ảnh 2UBND huyện Đắk G’Long và UBND huyện Đam Rông ký kết quy chế phối hợp

Hiện nay, đối chiếu với các Nghị quyết liên quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính (như Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính), thì tỉnh Đắk Nông còn thiếu nhiều tiêu chuẩn còn so với quy định.

Điển hình như quy mô dân số Đắk Nông hiện khoảng 670.000 người, còn quy định 900.000 người. Diện tích tự nhiên Đắk Nông hơn 6.509km2, còn quy định 8.000 km2. Số đơn vị hành chính cấp huyện hiện Đắk Nông có 8, còn quy định là 9... Do đó, theo Sở Nội vụ Đắk Nông, hiện không đủ điều kiện để đề xuất điều chỉnh ranh giới hành chính theo hướng bàn giao toàn bộ diện tích đất đai, dân số khu vực 600 hộ dân sinh sống, canh tác nêu trên về cho tỉnh Lâm Đồng quản lý.

Sở Nội vụ Đắk Nông cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị làm việc giữa 2 tỉnh để trao đổi, thống nhất giải pháp xử lý toàn diện các vấn đề. Trong đó, trọng tâm là quản lý dân cư; quản lý đất đai, khoáng sản, lâm sản; quản lý đất rừng gắn với dân di cư không theo quy hoạch; quản lý, bảo vệ an ninh, quốc phòng gắn với địa giới hành chính các cấp; vấn đề đầu tư xây dựng, quản lý các công trình phúc lợi cho người dân…/.

Minh Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm