Những con đường đẹp làm nên từ sự ý thức, trách nhiệm của người dân. |
Nhiều thành tựu nổi bật
Đến thời điểm này, Hậu Giang có 76 xã, phường, thị trấn với 539 ấp. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xác định cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là cuộc vận động lâu dài, phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức để phù hợp với tình hình mới. Từ đó, đã chú ý đến việc khảo sát, kiểm tra, để hướng dẫn, nhất là Ban công tác Mặt trận và Ban vận động ấp, khu vực để xây dựng kế hoạch bám sát tình hình thực tế từng nơi; thông qua cuộc vận động gắn với phong trào thi đua sản xuất giỏi, phát triển kinh tế, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội… Từ đó, cuộc vận động đã được triển khai rộng khắp, với 5 nội dung bám sát các phong trào trên.
Một trong những nội dung nổi bật, thiết thực, mang lại kết quả tốt là đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân giúp nhau về vốn, kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm làm ăn; củng cố và xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, tổ kinh tế hợp tác. Qua đó, đã làm thay đổi một bước đáng kể về cơ cấu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất, tổ chức nhiều tổ hợp tác phù hợp với từng ngành nghề. Đến nay, toàn tỉnh đã củng cố xây dựng 156 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nổi bật như: HTX Thủy sản Đại Thắng (TX.Ngã Bảy), HTX Quýt đường Long Trị (TX.Long Mỹ)… Đặc biệt là HTX Thạnh Phước (huyện Châu Thành), đầu tàu là ông Nguyễn Văn Chiến, không chỉ trồng chanh không hạt hiệu quả mà còn sản xuất cây giống và tìm các hợp đồng để bao tiêu sản phẩm cho người dân trong HTX. Ông chia sẻ: Phải tìm được đầu ra thì nông dân mới sống được với sản phẩm của mình làm ra. Vì thế, bằng nhiều cách, ông tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu chanh không hạt, trước đây là Hà Lan, còn hiện tại là xuất sang các nước khu vực Đông Nam Á... Bên cạnh đó, nhiều mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo hiệu quả, có sự chung tay tích cực của từng địa phương, cũng từng bước được nhân rộng. Như mô hình may bao tay ở ấp Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, do Chi hội Phụ nữ ấp phát động. Trước đây, ấp có nhiều hộ nghèo. Ngoài việc tiếp cận những cách làm ăn mới, mô hình mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, Chi hội Phụ nữ ấp còn tổ chức góp vốn xoay vòng cho chị em. Số tiền mà mỗi người được nhận một lần khoảng 4 triệu đồng. Hai năm nay, nhờ có người quen kết nối được một công ty may bao tay ở TP.HCM, hơn 10 chị em phụ nữ trong ấp tiếp cận với công việc mới này. Chị Đinh Thị Phụng, ở ấp Mùa Xuân, chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi may được khoảng 50 đôi bao tay, mỗi đôi giá 3.500 đồng, cũng được gần 200.000 đồng. Công việc không nặng nhọc, chỉ cần siêng. Giờ, cuộc sống của tôi có đồng vô, đồng ra, dễ thở hơn trước rất nhiều và an tâm hơn, lo tiếp được cho các con đi học”… Đặc biệt, có nhiều hộ gia đình có điều kiện đã giúp đỡ những gia đình khó khăn bằng việc cho mượn cây, con giống, kinh phí để họ làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người từ 7,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2004 lên 36,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2015.
Đồng thuận - Nhân tố quyết định
Trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, điểm nổi bật nữa là đã tìm được sự đồng thuận, đồng lòng của người dân. Từ đó, những phong trào như xây dựng, nâng chất gia đình văn hóa, ấp, khu vực văn hóa, xây dựng cảnh quan môi trường… ở khu dân cư ngày càng đi vào chiều sâu, với nhiều mô hình điển hình nổi bật. Qua đó, việc xét để công nhận danh hiệu của từng năm được tổ chức ở các khu dân cư một cách nghiêm túc, chất lượng. Người dân không chỉ thấy được những phong trào được triển khai đều hướng tới lợi ích của mình, vì mình, mà còn thấy trách nhiệm của mình để cùng góp phần vào sự thành công của phong trào, làm thay đổi nếp sống, hướng đến văn minh, hiện đại, nên tự nguyện làm theo. Là một trong những nhân tố tiêu biểu, góp nhiều công sức cho phong trào ở địa phương, ông Mai Văn Buôl, ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành, TX.Ngã Bảy, chia sẻ, dù tuổi cao, nhưng những gì địa phương phát động, ông đều tham gia. Không chỉ vậy, ông luôn dạy con cháu mình phải nâng chất cuộc sống từ những điều đơn giản nhất, là phải giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, tạo không gian sinh hoạt thoải mái. Từ đó, trong những bữa cơm ấm cúng của gia đình, mọi người cùng nhau trò chuyện trong không gian thoáng đãng…
Cuộc vận động này thành công, còn phải kể đến sự vào cuộc của các tổ chức thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một trong những thành viên tích cực, với nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực là Hội LHPN Việt Nam tỉnh Hậu Giang. Phát huy vai trò nòng cốt vận động phụ nữ tham gia vào cuộc vận động này, gắn với xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, nổi bật là công tác bảo vệ môi trường. Bà Huỳnh Thúy Trinh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh Hậu Giang, cho biết: Đơn vị đã phối hợp mở những lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kỹ năng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải… cho các cấp hội ở cơ sở. Qua đó, các chi, tổ hội tổ chức các buổi tuyên truyền đến từng hội viên, vận động phụ nữ tham gia nhiều mô hình tự quản về vệ sinh môi trường, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi ni lông, không vứt rác bừa bãi và thu gom rác thải đúng nơi quy định. Mặt khác, các cấp hội còn tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tiểu phẩm tự biên về môi trường, thiết thực, gần gũi, dễ thực hiện; phối hợp tổ chức các cuộc thi: “Nhà, góc bếp sạch, đẹp”, “Góc bếp điểm 10”, “Sống xanh”… Đối với những vùng nông thôn sâu, tranh thủ nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về môi trường; hỗ trợ sọt rác, xây dựng lò đốt rác kiểu mẫu, hố rác nổi… Bên cạnh đó, còn thành lập nhiều mô hình thiết thực để mọi người cùng tham gia làm xanh, sạch, đẹp môi trường sống, như mô hình: “Hố rác gia đình”, “Tổ chăm sóc cây”, CLB “Nói không với túi ni lông”, CLB “Ngày chủ nhật tình nguyện vì môi trường”…
Thành quả từ cuộc vận động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là sự chung sức, chung lòng của các ngành, các cấp và nhân dân, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng và sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Dù vậy, cũng bộc lộ những hạn chế. Ông Huỳnh Hữu Kế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, cho biết: Dù có nhiều thành tựu, nhưng qua đó, cũng thấy rằng, hoạt động của Ban chỉ đạo cấp xã, Ban vận động ấp hoạt động chưa đều, việc triển khai các nội dung của cuộc vận động chưa được thường xuyên, kịp thời đến từng hộ gia đình; trình độ năng lực, kỹ năng tuyên truyền, vận động của đội ngũ làm công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên, các ngành từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ… Đây là những điều sẽ từng bước được khắc phục trong thời gian tới, để cuộc vận động tiếp tục phát huy hiệu quả, tác động đến người dân một cách toàn diện.
Báo Hậu Giang