* Dấu ấn những công trình
Những năm đầu sau giải phóng, thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, liên tỉnh lộ 15 huyện Nhà Bè, nút giao thông Hàng Xanh.
Những năm đầu sau giải phóng, thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, liên tỉnh lộ 15 huyện Nhà Bè, nút giao thông Hàng Xanh.
Tiếp nối là hàng loạt công trình ra đời đã làm thay đổi diện mạo của thành phố như các cây cầu lớn Ông Lãnh, Nguyễn Tri Phương, Tân Thuận 2, Khánh Hội cùng với nhiều trục đường chính cửa ngõ như Xa lộ Hà Nội, Trường Chinh, Quốc lộ 13...
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Hoàng Sa,Trường Sa, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác 2 tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đang xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, mở rộng đường Xuyên Á, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất…
Chính sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông là động lực, tạo sức bật để thành phố luôn giữ được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định, hằng năm đóng góp 1/3 ngân sách nhà nước.
Thành phố trở thành đầu mối giao thông của cả khu vực phía Nam và là nơi giao thương hàng hoá, vận tải sôi động của khu vực Đông Nam Á, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nhập cư trên khắp cả nước.
Cầu Phú Mỹ bắc từ Quận 7 sang Quận 2, là một trong những thành tựu về phát triển hạ tầng cơ sở của Thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng. Ảnh: Kim Phương - TTXVN |
Phải kể đến hầm vượt sông Sài Gòn lớn nhất Đông Nam Á, sau khi hoàn thành đã kết nối thuận lợi quận 2 với điểm nhấn là Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào trung tâm quận 1. Hay Đại lộ Mai Chí Thọ đã giúp hàng nghìn xe tải, xe container mỗi ngày ra vào cảng Cát Lái (quận 2) - cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam để ra Xa lộ Hà Nội, đổ hàng về các tỉnh miền Trung, phía Bắc.
Tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và đường dọc kênh Tân Hoá – Lò Gốm, sau khi hoàn thành việc nâng cấp mở rộng đã biến những ngôi nhà ổ chuột, lúp xúp ven kênh rạch trở nên khang trang hơn, đảm bảo môi trường sống trong lành cho hàng triệu người dân sống trong lưu vực kênh, qua đó góp phần quan trọng vào thành công của chương trình chỉnh trang đô thị thành phố.
Các dự án giao thông trọng điểm không những giải quyết vấn đề đi lại, vận chuyển hàng hoá mà còn kết nối liên vùng, phát huy thế mạnh của từng địa phương đồng thời tái tổ chức lại không gian đô thị, phân bổ lại dân cư, làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới, phát triển vượt bậc sau 42 năm giải phóng. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Ông Nguyễn Đức Phú, người dân sống lâu năm tại khu vực Đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) cho hay, trước khi làm đường, khu dân cư gần cầu Bình Lợi sống nhếch nhác, ẩm thấp, thường xuyên ngập nước mỗi khi mưa lớn, tình hình an ninh trật tự phức tạp.
Tuy nhiên sau khi có đường Phạm Văn Đồng đi qua, đường hẻm được nâng cấp, nhiều căn nhà lụp xụp trở thành nhà phố mặt tiền đường lớn, có điều kiện sửa chữa, xây mới để cho thuê hoặc mở quán ăn, cơ sở kinh doanh, qua đó giải quyết việc làm, thay đổi cuộc đời cho rất nhiều người.
* Đồng bộ hạ tầng đô thị
Do tốc độ đô thị hoá nhanh nên hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh cũng đang trở nên quá tải. Hiện dân số của thành phố đã vượt ngưỡng 13 triệu dân với 8 triệu phương tiện giao thông, chưa kể hàng ngày có khoảng 1 triệu xe lưu thông từ các tỉnh, dẫn đến tình trạng kẹt xe, ùn tắc nhất là vào giờ cao điểm tại khu vực trung tâm, cửa ngõ, cảng Cát Lái, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước tình hình đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã đưa giảm ùn tắc giao thông vào 7 chương trình đột phá của thành phố.
Sau 42 năm giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển vượt bậc, hiện đại, xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, ngang tầm với đô thị của các nước trong khu vực. Ảnh: Ngọc Hà -TTXVN |
Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1 để đến năm 2020 đưa vào khai thác; đang triển khai nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) nhằm đáp ứng tàu có trọng tải lớn vào hệ thống cụm cảng trên sông Soài Rạp; nghiên cứu phát triển hệ thống cảng sông để vận chuyển hàng hoá trên sông Sài Gòn từ Tây Ninh, qua Bình Dương, về thành phố (cảng Cát Lái), giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Trong thời gian qua, thành phố đã ưu tiên nguồn vốn để đồng loạt triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như xây dựng nút giao Mỹ Thuỷ, Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thái Sơn – Phạm Văn Đồng; làm cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất; xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, di dời bến xe miền Đông, miền Tây ra khu vực nội đô tiến hành xây mới, giảm kẹt xe.
Hiện thành phố đang xây dựng đề án kết nối giao thông giữa thành phố với 7 tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) với các dự án trọng điểm như các trục đường chính đô thị, 5 tuyến đường trên cao, cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), mở rộng đường Xuyên Á, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, bổ sung các cảng sông trung chuyển, tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ…
Vừa qua, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt thực hiện các dự án giao thông. Ví như tuyến vành đai 2, đường trên cao số 1, mở rộng Quốc lộ 22, xây dựng cầu Cần Giờ, đường trục Bắc – Nam, cầu Thủ Thiêm 4, bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân bóng đá thuộc Công viên văn hóa Tao Đàn, nạo vét, khai thông tuyến rạch Ông Nhiêu, xây dựng Trung tâm điều khiển và hệ thống giao thông đô thị thông minh, xây dựng cầu qua đảo Kim Cương, cầu vượt bằng thép tại ngã sáu công trường Dân Chủ…
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1, rút ngắn khoảng 20km từ Tân Vạn đến Nhơn Trạch (Đồng Nai), tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển ở Đồng Nai về thành phố Hồ Chí Minh; kéo dài tuyến metro số 1 từ Suối Tiên (quận 9) đến Dĩ An (Bình Dương) và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).
Những giải pháp công trình quan trọng kể trên tiếp tục thể hiện nỗ lực của thành phố trong việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của thành phố với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước, hạt nhân liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Diện mạo đô thị sẽ tiếp tục được thay đổi, đời sống người dân sẽ tiếp tục được nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.