Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết 15 năm "Chương trình Bình ổn thị trường"

Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết 15 năm "Chương trình Bình ổn thị trường"
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, sau 15 năm triển khai, Chương trình Bình ổn thị trường thực hiện trên bàn Thành phố đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp. Hiệu quả của chương trình đã được Chính phủ và Bộ Công Thương ghi nhận cũng như đánh giá cao, chỉ đạo nhân rộng mô hình trong cả nước. Điển hình, hiện nay đã có 48 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường. 
Trao Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho các tập thể làm tốt chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2017. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN.
Trao Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho các tập thể làm tốt chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2017. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN.
Hàng hóa tham gia Chương trình Bình ổn thị trường có nguồn cung ổn định, dồi dào và chiếm thị phần lớn, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý và được phân phối thông qua hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp. Do đó, chương trình đã trở thành công cụ hiệu quả, có khả năng điều hòa cung – cầu, dẫn dắt thị trường, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị trên địa bàn Thành phố. 
 
Hiện nay, toàn Thành phố đã có 240 chợ, 192 siêu thị, 41 trung tâm thương mại, hơn 900 cửa hàng tiện lợi, hơn 160.000 cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ với hơn 20 thương hiệu phân phối lớn. Riêng mạng lưới điểm bán hàng Bình ổn thị trường có sự gia tăng nhanh. Nếu năm 2002 chương trình có 242 điểm bán, chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành thì tính đến thời điểm hiện nay, chương trình đã phát triển hơn 10.552 điểm bán, phủ kín 24 quận huyện, đảm bảo cung ứng hàng bình ổn thị trường đến tận tay người tiêu dùng, kể cả người dân tại khu vực quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất. 
 
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của Chương trình Bình ổn thị trường, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết, trong thời gian tới, các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất của doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cần tạo được bước ngoặt về năng suất, tạo lập các mối liên kết chặt chẽ sản xuất – lưu thông hàng hóa giữa doanh nghiệp với nhau và với các đơn vị ngoài chương trình nhằm đa dạng hóa các kênh tạo nguồn hàng ổn định. Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế nói chung, quản lý Nhà nước về thương mại nói riêng sẽ tiếp tục được đổi mới để theo kịp với thực tiễn hoạt động thương mại. Song song đó, khắc phục tình trạng đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, chậm trễ và khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà... 
Trao Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho các tập thể làm tốt chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2017. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN.
Trao Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho các tập thể làm tốt chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2017. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN.

Cụ thể, Chương trình Bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2017 - 2022 sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo, đánh giá thị trường để định hướng sản xuất, tạo nguồn hàng; tạo nguồn cung hàng hóa bền vững. Đồng thời, thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa; quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, phòng chống gian lận thương mại; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân.
 
Trong dịp Tổng kết 15 năm "Chương trình Bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh 2002 - 2017", thành phố còn tổ chức Triển lãm ảnh, tư liệu Chương trình Bình ổn thị trường với chử đề "Sản phẩm bình ổn - Sản phẩm của mọi nhà" tại khu vực công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quận 1. Bên cạnh đó, thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, cổ động Chương trình Bình ổn thị trường như treo băng rôn cổ động tại 25 tuyến đường, 200 chợ truyền thống, 180 siêu thị, 40 trung tâm thương mại, 200 cửa hàng tiện lợi.../.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm