Thành phố Hồ Chí Minh: Đảm bảo nhu cầu nước sạch và vệ sinh môi trường

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Thời gian qua, với nỗ lực rất lớn của các đơn vị cùng các ban, ngành liên quan, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng vượt bậc, từ 79,2% năm 2010 lên 100% vào năm 2020. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh cùng với những vấn đề từ nguồn nước thô, công tác cung cấp nước sạch của Thành phố đòi hỏi cần có giải pháp kịp thời và đồng bộ.

Giữ gìn vệ sinh nguồn nước

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo chuẩn quốc gia trên địa bàn Thành phố đạt 100%; tất cả các hộ dân khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, đồng thời khoảng 85% chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh. Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương tiếp tục đảm bảo và nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch trong sinh hoạt cho người dân.

Thành phố Hồ Chí Minh: Đảm bảo nhu cầu nước sạch và vệ sinh môi trường ảnh 1Khởi công Dự án cải thiện chất lượng nước sạch TP.HCM. Ảnh tư liệu: An Hiếu - TTXVN

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để đạt được những kết quả trên, các ban, ngành của Thành phố đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức tại các cơ quan nhà nước, UBND các xã, phường, thị trấn, các khu dân cư, khu vui chơi công cộng trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, bảo vệ các nguồn nước và môi trường sống. 

Từ năm 2016 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã lắp đặt hệ thống nước sạch cho các khu vực vùng ven của Thành phố; trao tặng 750 bồn chứa nước sạch bằng inox với dung tích 500 lít/bồn, 1.000 bình lọc nước cho 5 huyện trên địa bàn.

Các bồn chứa nước sạch và bình lọc nước sau đó được chính quyền địa phương trao lại cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ở xa khu dân cư trên địa bàn huyện để giúp người dân có điều kiện sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố đã trao 5 hầm biogas bằng vật liệu composite theo kiểu thiết kế mới, khử mùi khí gas cho người dân các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; tặng 150 bồn nhựa cho 150 hộ dân thực hiện mô hình ủ phân composite từ rác thải hữu cơ kết hợp trồng rau trên bồn nhựa; hơn 1.000 thùng nhựa phân loại rác tại nguồn cũng được trao cho người dân huyện Bình Chánh.

Các đơn vị hữu quan còn tổ chức nhiều chương trình tư vấn, hướng dẫn cho nông dân, các khu vực sản xuất nông nghiệp, các làng nghề về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường trong sản xuất nông nghiệp; các biện pháp sản xuất sạch, chống ngộ độc thực phẩm do còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản; các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi và trong sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp tốt và thân thiện với môi trường.

Các quận, huyện phát động người dân hưởng ứng phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" tại các khu phố, ấp; ra quân làm sạch đường phố, khai thông cống rãnh, bỏ rác đúng nơi quy định... tại địa phương; tổ chức phong trào ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, nâng cao ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước; phổ biến và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 19 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về giữ gìn vệ sinh môi trường nước.

Còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ

Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV (Sawaco) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cung cấp nước sạch của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang đối diện với nhiều vấn đề từ những tác động ngoại cảnh lẫn nội tại.

Hiện nay, nguồn nước của Thành phố Hồ Chí Minh được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, nhưng Thành phố lại nằm phía cuối lưu vực dẫn đến nhiều khó khăn về nguồn nước thô như tác động của biến đổi khí hậu có thể gây gián đoạn việc cung cấp nước; tác động từ sự phát triển các khu chế xuất, công nghiệp, kho xưởng dọc theo hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai có thể dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; khả năng dự phòng để ứng phó với những diễn biến bất ngờ của nguồn nước thô của ngành cấp nước Thành phố còn hạn chế. 

Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực miền Tây Nam Bộ diễn biến phức tạp theo từng năm đang gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng nguồn nước thô ở sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. 

Đặc biệt, trong 5 năm qua, hạn mặn xảy ra nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, độ mặn rất nhiều lần vượt ngưỡng cho phép; trong đó, độ mặn trên sông Sài Gòn (nơi đặt trạm bơm nước thô Hòa Phú, huyện Củ Chi) thường xuyên ở mức cao khiến Sawaco phải đề nghị hồ Dầu Tiếng liên tục xả nước đẩy mặn.

Quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh cùng với lượng lao động nhập cư ngày càng nhiều dẫn đến chất thải sinh hoạt, công nghiệp ngày càng gia tăng cũng đang đặt ra một bài toán khó khăn cho ngành cấp nước.

Cùng với những thách thức về ô nhiễm nguồn nước còn có nhiều vướng mắc tồn tại liên quan đến nguồn vốn đầu tư phát triển mạng lưới, hạ tầng cấp nước và công tác vận hành, sự bất cập trong quy hoạch cấp nước… đã và đang đặt ra nhiều thách thức đến sự an toàn, bền vững của công tác cấp nước cho Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.

Trong đó, khu vực ngoại thành, vùng ven của Thành phố sẽ là những nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Do đó, Thành phố rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp và địa phương trong việc đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân và bảo vệ môi trường.

Để đảm bảo chiến lược cung cấp nước sạch, Sawaco tập trung triển khai các giải pháp an toàn nguồn nước trung hạn, dài hạn đến năm 2030 và về sau.

Trong đó, nghiên cứu, triển khai giải pháp đảm bảo an toàn nguồn nước dài hạn cho sông Sài Gòn (như lấy nước thô hồ Dầu Tiếng...) cũng như nguồn nước dự phòng cho các nhà máy từ các hồ trữ nước hoặc nguồn nước thô hồ Trị An; đồng thời nghiên cứu các ứng dụng nâng cấp, cải tiến công nghệ xử lý nước tại nhà máy, cải tạo mạng lưới ống cũ, ứng dụng công nghệ vào quản lý vận hành mạng lưới. 

Mục tiêu xuyên suốt là đến năm 2030 đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục đáp ứng đủ nhu cầu nước cho Thành phố Hồ Chí Minh với chất lượng nước có thể uống trực tiếp tại vòi.

Sawaco cũng tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh các dự án ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống cấp nước; thông qua việc chú trọng đầu tư nâng cấp trình độ quản lý vận hành tổng thể hệ thống cấp nước để tiến đến cấp nước thông minh. Ngành cấp nước xây dựng, triển khai đồng bộ các ứng dụng hỗ trợ khách hàng tại tổng công ty và các đơn vị thành viên, nhằm tăng cường khả năng quản lý, chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ cấp nước.

Về phía cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên rà soát, cập nhật các khu dân cư phát sinh để cung cấp nước sạch; tiếp tục tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức sử dụng nước sạch và giữ vệ sinh môi trường của người dân; đẩy mạnh cung cấp nước sạch cho người dân vùng ven và nông thôn thông qua hình thức gắn đồng hồ tổng cho một cụm khách hàng cùng sử dụng hoặc đặt những bồn chứa để người dân chung quanh lấy nước sạch về dùng, tiến tới không sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt.

Các đơn vị cấp nước Thành phố chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, thiết bị mới như ứng dụng công nghệ bản đồ số (công nghệ GIS), công nghệ di động và công nghệ, điện toán đám mây để thu thập lập bản đồ mạng cấp nước, hiện đại hóa công tác quản lý, bảo trì tài sản mạng cấp nước, qua đó giảm thời gian lao động, chi phí và tỷ lệ thất thoát nước, nâng cao chất lượng nước cho người dân. Các đơn vị cũng công khai giá thành nước để người dân được biết cũng như đề xuất cơ cấu giá thành nước phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến và các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bảo vệ, cải thiện môi trường nước cho người dân; hợp tác với địa phương thiết lập các nhóm hành động, nhóm tình nguyện; khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng biển, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Sở biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc áp dụng các sáng kiến, giải pháp công nghệ để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước./.

Hồng Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm